– Thôi mà, Ervin. Để cho anh vào đi!
– Ông đừng hòng đặt chân vào cái nhà này. Chừng nào tôi còn một hơi
thở.
Nói rồi bố tôi đóng sầm cửa, bỏ đi vào phòng khách, mở ti vi tới mức to
nhất, to hơn cả mức ông từng dám mở từ trước đến giờ.
Ở bên ngoài cửa trước, bác tôi buông một tiếng thở dài cường điệu giả
tạo rồi nhún vai, quay đi, bước xuống cầu thang trong chiếc giày da lộn
khâu tay. Tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng cô gái hỏi ông sẽ làm gì với thanh
chocolate. “Cho em đấy” - bác tôi nói với cô gái. Tôi chạy ra phía cửa sổ và
trông theo họ ở dưới phố. Cô gái Tây Ấn đứng trên vỉa hè, chocolate dính
quanh mặt còn bác tôi thì đi tới chiếc xe tuyệt đẹp của ông, một chiếc
Jaguar bạc, mở cửa phía tay lái và gọi cô gái vào chứ không mở cửa đứng
chờ ở phía bên kia như một quý ông lịch lãm. Đó là vì bác tôi không phải
một quý ông còn cô ta chỉ là một gái điếm vị thành niên. Cái cảnh đó, buổi
sáng thứ bảy ngập nắng trước cửa tòa nhà Benson Court năm 1963, vẫn lưu
lại trong trí nhớ của tôi đến tận ngày hôm nay.
Tám tháng sau, bác tôi vào tù. Thật là một nỗi cực hình với bố mẹ tôi khi
bị buộc phải xem tin tức về vụ án trên truyền hình hết đêm này đến đêm
khác suốt năm tuần liền mà không dám tắt ti vi đi vì như thế, cả phòng
khách sẽ biến thành một cái nhà mồ với sự im lặng không tài nào phá vỡ.
Và họ đã cố gắng nhưng thất bại trong việc bảo vệ con gái mình khỏi người
đàn ông đang ngồi trong ghế bị cáo, người cùng mang một cái họ gần như
giống mình, người đến từ cùng một nơi như mình, người nói tiếng Anh
bằng một chất giọng giống mình, người mà tôi đã tận mắt thấy xuất hiện
ngay nước cửa căn hộ nhà tôi, cãi nhau với bố tôi và gọi bố tôi là em trai.
Một người có con gái thì anh trai của người đó chính là bác của đứa bé.
Chẳng thể nào khác được. Vậy là tôi có một người bà con.
– Cái ông đó đã làm gì hả bố? - ngay lập tức tôi hỏi.
– Đừng có hỏi vặn hỏi vẹo! Những người hay thắc mắc này nọ có ai
sống yên ổn đâu, mà sống không bình yên thì đâu phải là sống.