kín, giống như những con chó đang cắn xé gan ruột họ. Tôi biết mình cũng
vậy.
Từ lúc trở về nhà sau bình minh cho đến giữa chiều, người đàn bà kỳ bí
ấy chỉ ngủ hoặc nếu không thì nằm dài, mắt mở to, nhớ lại những gì mình
đã trông thấy trong những cuộc lang thang phiêu bạt khắp thành phố.
Người ta đã thấy bà ấy đi xa tới tận Kilburn, leo lên phố, tiếp tục lê bước xa
hơn nữa về hướng bắc rồi gục xuống vì kiệt sức khi ánh bình minh ló dạng.
Sao bà ấy cứ lang thang độc hành như thế nhỉ? Vì mục đích gì? Bà ấy đang
kiếm tìm điều gì hay đang trốn chạy khỏi một cái gì? Tôi chẳng thể nào biết
được, ngay cả bây giờ, sau 40 năm.
Một buổi tối, năm tôi 17 tuổi, tôi về nhà muộn sau buổi tổng duyệt một
vở kịch của trường, vở kịch về Công chúa Anastasia
về một cô gái nông dân người Ba Lan tên là Franzisca Schanzkowska tự
nhận mình là Công chúa Anastasia). Tôi không diễn trong vở đó mà chỉ là
một người nhắc kịch, một vai thoại không xuất hiện trên sân khấu. Đó là
đêm ngày 5 tháng 11
. Pháo hoa bắt đầu được bắn lên ở ngoài những khu
vườn sau. Một màn pháo hoa nổ vang trời đang được đốt trên đồi Primrose.
Presscot, người đàn bà bí hiểm, đứng trên bậc tam cấp của Benson Court,
đang cài chặt cúc áo khoác thì một tiếng nổ lớn làm rúng động cả con phố
vang lên từ phía sau tòa nhà đối diện. Bà ấy đứng đó, lặng câm, run rẩy.
– Bà không sao chứ ạ? - tôi hỏi.
– Ta không thích tiếng nổ, - bà đáp, giọng mỏng tang.
– Cháu đoán là nó gợi cho bà nhớ về chiến tranh - tôi trả lời, đầy cảm
thông, vì đây là điều mẹ tôi năm nào cũng nhắc đến. (‘Những quả bom
khủng khiếp!’)
Bà lắc đầu: “Ta chưa bao giờ thích tiếng nổ.”
– Có lẽ bà không nên ra ngoài tối nay, - tôi nói. - Sẽ có tiếng nổ khắp
nơi đấy ạ.
– Ta thích ánh sáng đầy màu sắc. Ta chỉ ước gì chúng yên lặng. Ta chỉ
thích nhìn, chứ không thích nghe.