đẹp theo một cách khác biệt. Con người, vẻ mặt anh luôn luôn hờ hững,
không lạnh lùng cũng không ấm áp, ngay cả nụ cười giờ phút này cũng vậy.
Rất khẽ rất nhạt, như nó vốn nên tĩnh lặng như thế.
Nhưng bởi vì anh hiếm khi cất giọng trêu chọc, nụ cười này lại trở nên
đặc biệt rung động lòng người. Cô bỗng nhớ lại lời nói của mẹ: Người có
nội tâm bình lặng, nụ cười đều khắc kỷ(*).
(*) Khắc kỷ: Tự kiềm chế.
Cô vẫn cố chấp cho rằng, khắc kỷ là một loại khổ hạnh nén nhịn, là một
loại trói buộc bi khuất. Như không thể ăn kẹo, như không thể khóc lóc, như
không thể trút nỗi lòng, như không thể tin tưởng.
Nhưng cách lý giải về sự khắc kỷ của anh lại là thành thạo, là kín đáo
chừng mực, là thong thả tự nhiên, còn là khiêm tốn và khoe khoang nữa.
Chân Ái hơi xúc động, yên lặng cúi đầu. Ngoan ngoãn mà nhàn nhã theo
bước chân anh đi một vòng giữa những giá sách, cô hỏi: “Anh không cần
nghe lời khai của nghi phạm sao?”
“Tôi đang nghe.” Ngôn Tố nhìn chằm chằm tủ kính trang trí của cửa
hàng truyện tranh đến ngẩn người, nói: “Tuy trên đời có loại người nghĩ
một chuyện cũng chậm chạp như cô, nhưng cũng có loại người nghĩ rất
nhiều việc cùng một lúc mà phản ứng vẫn cực nhanh... Ví dụ như tôi.”
Chân Ái: “...” Quả nhiên ba câu là lại muốn ăn đấm.
Cô nhìn theo ánh mắt anh, trong tủ kính trưng bày rất nhiều dụng cụ thể
thao, ví dụ như bóng rổ, bóng tennis, bóng bàn. Ngôn Tố nheo mắt nghiền
ngẫm trong chốc lát, tiếp tục lời nói khi nãy: “So với lời khai của nghi
phạm, tôi tin vào hai mắt và đầu óc của mình hơn.”