xuống, những cơn ác mộng, mối kinh hoàng khủng khiếp, tất cả những gì
gớm ghiếc của ban đêm và của chết chóc.
Raoul hết sức hài lòng về ảnh hưởng và khả năng của mình, như thể
chúng có tác dụng đối với một số người bị tổn thương nặng về tinh thần.
Đối với họ anh đã trả lại sự thăng bằng và làm cho họ quên thực tại kinh
khủng trong chốc lát.
Anh cũng vậy, vả chăng anh đã gạt bỏ được thảm kịch. Cô gái người
Anh chết đã phai mờ trong ký ức của anh. Còn đây không phải là người đàn
bà mặc áo bờ-lu vấy máu mà anh đang ôm sát, mà là người đàn bà Paris
yêu kiều, duyên dáng. Dù nói gì chăng nữa, anh cũng tự nhủ: “Ta sẽ trừng
phạt nàng. Nàng sẽ đau khổ”. Làm sao anh lại không cảm thấy hơi thơm
mát mẻ xông lên từ đôi mắt rất gần.
Những con mắt là những chiếc đèn lồng to dần lên. Người thầy thuốc sẽ
đến trong vòng tám hoặc mười phút nữa. Raoul nghĩ: “Ta phải rời nàng, và
ta phải hành động. Và thế là hết ! Ta không còn gặp lại, giữa ta và nàng,
một khoảnh khắc như trong lúc này... Một khoảnh khắc mật thiết, ấm cúng
này...”
Anh cúi xuống thấp hơn và đoán rằng cô gái vẫn nhắm mắt, phó mặc cho
sự che chở. Chắc là nàng nghĩ: Tất cả đều tốt đẹp, hiểm nguy đã qua rồi.
Bất thình lình anh cúi xuống và hôn lên đôi môi của cô gái. Cô cố giãy
giụa một cách yếu ớt, thở dài và chẳng nói gì cả. Anh có cảm giác là cô đã
chấp nhận sự vuốt ve và mặc dù cô rụt dầu nhưng không cưỡng lại vị ngọt
của nụ hôn. Nó chỉ kéo dài trong vài giây. Rồi một sự phản ứng đột nhiên
thức tỉnh cô gái, cô gồng tay lên với một nghị lực bất ngờ, vùng thoát khỏi
và rên rỉ.
- Ôi ! Ghê tởm quá ! Ôi ! Thật xấu hổ ! Cứ để mặc tôi ! Mặc tôi !... Điều
anh vừa làm quá tồi tệ, thật đáng khinh.
Raoul cười ngượng nghịu rồi bực dọc với cô, muốn xỉ vả cô. Nhưng anh
không tìm được lời nào, và trong khi cô đẩy anh ra và chạy trốn trong bóng
đêm thì anh thì thầm nhắc lại:
- Thế là thế nào ! Lại còn thẹn nữa cơ ! Rồi sao ? Hừ ! Người ta sẽ tưởng
ta đã phạm phải điều cấm kị.