Bài học tiếp theo là sự thực hành khác: cách trói thông minh bằng tấm
chăn phủ lưng ngựa và vòng cổ ngựa mà Guillaume đã dùng (vì chỉ có thể
nghĩ rằng kẻ tấn công không ai khác là Guillaume và cô gái mắt màu lục đã
đuổi kịp hắn).
- Tôi không làm cho ông đau chứ, có phải không, bác sĩ ? Tôi rất tiếc về
hành động này. Ông không sợ gai và cây tầm ma đấy chứ ? - Anh nói tiếp
và dẫn người tù binh của mình đi.
- Ông ạ, đây là nơi ông nghỉ qua đêm không đến nỗi quá tồi. Rêu chắc đã
bị mặt trời nung nóng vì nó đã khô. Không bác sĩ ạ, ông không phải cám
ơn. Dù sao bác sĩ nên cho rằng giá như tôi có thể đừng làm...
Ý định của Limégy trong lúc này là “chạy đều” và “đuổi bắt”. Bằng bất
cứ giá nào cũng phải đuổi kịp hai tên chạy trốn ! Anh cáu tiết vì bị đánh
lừa. Thật ngớ ngẩn ! Làm sao anh đã nắm cô gái trong tay của mình rồi,
đáng lẽ phải chịt vào cổ họng thì anh đã lại ôm hôn cô ấy ! Làm sao người
ta có thể sáng suốt trong những hoàn cảnh như vậy ?
Nhưng đêm hôm ấy, những dự định của Limégy vẫn dẫn đến những hành
động ngược lại. Ngay khi anh rời khỏi người bác sĩ, và mặc dù không thay
đổi kế hoạch của mình, anh đã trở về nhà ga với một phương án mới là phải
cưỡi ngựa của một lính sen đầm và như vậy mới có thể thành công trong
quyết định của mình. Anh đã quan sát ba con ngựa của đội sen đầm trong
một ngôi lán, đằng trước có một người đàn ông canh giữ. Anh đã đến được
đấy, người lính sen đầm đang ngủ dưới ánh sáng của một chiếc đèn lồng.
Raoul rút dao để cắt một sợi dây, nhưng đáng lẽ như vậy thì anh đã cẩn
thận và nhẹ nhàng cắt hết cái đai buộc lỏng ba con ngựa vào nhau và cắt
nốt cả những đai yên, dây cương.
Như vậy, cuộc đuổi bắt cô gái mắt xanh màu lục bỏ trốn sẽ không thể
thực hiện được.
“Ta không biết điều ta đã làm sai. Đáng lẽ chỉ cắt dây buộc ta lại đi cắt
hết đai, cương” - Raoul tự nhủ khi trở về ngăn tầu của mình - Ta ghê tởm
con đàn bà vô lại ấy. Không gì làm cho ta vui thích hơn là giao nộp nó cho
cơ quan pháp luật và để giữ được lời thề báo thù của ta. Vậy mà, tất cả mọi
cố gắng của ta lại chỉ nhằm để cứu nó. Tại sao ?”