chớp gần như biến mất. Thỉnh thoảng có vài tiếng sấm dội lại từ đằng xa
nhưng không có gì đặc biệt. Tro bụi cũng thưa thớt hơn. Trời vẫn tối và mù
mịt, nhưng theo kiểu chạng vạng hơn là lúc nửa đêm. Nói chung mọi
chuyển biến đều theo chiều hướng tốt hơn và tinh thần tôi cũng nhờ vậy mà
hứng khởi hẳn lên.
Nhưng rồi tôi rơi tõm trở lại hiện thực khi nghĩ đến tình trạng lương thực
của mình. Khẩu phần ăn cuối cùng đã dành cho trưa nay, với một hộp thịt
lợn hầm đậu lạnh ngắt hiệu Van Camp. Nhờ mấy chai nước ông Elroy tặng
thêm mà tôi vẫn còn đủ nước cho thêm một ngày nữa, thậm chí là hai nếu
tôi biết tiết kiệm.
Cuối chiều hôm đó, tôi đã đến được ngã tư giao cắt giữa quốc lộ 20 và
quốc lộ 13. Gần đó là một trạm xăng, tôi vẫn nhận ra tấm biển quen thuộc
ấy. Hồi em gái tôi còn bé, cả nhà tôi vẫn thường dừng lại ở đây mỗi lần đến
Warren. Lần nào đi chơi, cứ lên xe được khoảng 30 phút là con bé lại đòi
dừng xe để đi tiểu, chính xác như một cái máy. Ngay lập tức, tinh thần tôi
xẹp xuống như quả bóng bị xì hơi: Tôi mài mặt trên đường suốt 6 ngày trời
nay và mới chỉ đi được ¼ quãng đường đến Warren. Điều an ủi duy nhất là
tôi đã đi đúng đường và ra được tới quốc lộ 20.
Cái mái che bằng kim loại bị xoắn vặn và hất tung xuống đất, nằm chỏng
chơ như cánh của một chiếc máy bay rơi. Tôi ngửi thấy mùi ga lúc tôi trượt
qua hai cái vòi bơm bị thổi rơi ra khỏi máy.
Bản thân trạm xăng cũng không còn hình dạng ban đầu. Ngoài bức tường
gạch không nung ở phía sau vẫn còn nguyên, toàn bộ trạm xăng giờ chỉ còn
là một mớ hổ lốn sắt thép, kính và nhựa xanh. Tôi định tìm đồ ăn trong tiệm
tạp hóa phía trước trạm xăng, nhưng bị quá nhiều tro và gạch vữa chắn
ngang.
Tôi đi vòng ra đằng sau. Nơi bức tường gạch đang đứng sừng sững, tạo
thành một không gian hình tam giác với đầu còn lại của xà nhà. Tôi bò vào