Liệu nhà của chú Joe có sập xuống như nhà tôi không? Chuyện gì đã xảy
ra với nhà của tôi? Tôi không thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào nhưng chúng cứ
tua đi tua lại trong đầu tôi, không tài nào khống chế được.
Tôi không phải là người sùng đạo như mẹ tôi, nhưng trong cuộc tranh
luận này tôi đã thắng mẹ từ hai năm trước. Ngoại trừ lễ Giáng sinh và Phục
sinh, tôi chưa hề đặt chân lại vào nhà thờ St.John’s Lutheran kể từ sau lễ
kiên tín của mình. Trước đó, hầu như Chủ Nhật nào tôi cũng đi lễ cùng với
mẹ, thậm chí nhiều lúc là tôi tự nguyện đi.
Năm tôi khoảng mười một – mười hai tuổi, giáo viên trường Chúa Nhật
của chúng tôi là một cựu binh già từng tham chiến ở Việt Nam hay I-rắc gì
đó, tôi cũng không nhớ rõ. Hầu như buổi học nào ông cũng lặp đi lặp lại
câu: “Không có kẻ vô thần nào khi ở dưới chiến hào cả.” Lúc đó tôi chỉ thấy
kỳ quặc và khó hiểu. Chúng tôi hiểu gì về vô thần và chiến hào? Không gì
hết! Nhưng giờ tôi đã phần nào hiểu được ý của câu nói đó.
Và tôi đã cầu nguyện. Không ai có thể nghe thấy tiếng tôi giữa tiếng ồn
khủng khiếp kia, đến bản thân tôi còn không nghe thấy giọng của mình nữa
là, nhưng tôi nghĩ chuyện đó cũng không quan trọng. Nhưng việc chú Joe
và chú Darren không nghe thấy được cũng là có cái hay, bởi vì tôi đã cầu
nguyện “Lạy Chúa, xin Người bảo vệ và che chở cho em gái con được an
toàn. Con không biết những tiếng nổ kia là gì, nhưng xin đừng để chúng
làm hại đến gia đình con. Giờ có lẽ họ đang ở Warren, nhưng con đoán
Người cũng đã biết rõ điều đó. Con xin thề sẽ làm mọi điều Người muốn
con làm. Chăm chỉ đi nhà thờ thánh John mỗi sáng Chủ Nhật, ngoan ngoãn
không cãi lời mẹ... Người muốn con làm gì con cũng sẽ làm. Chỉ xin Người
bảo vệ Rebecca, mẹ con và bố con...” Nghĩ đến đây tôi không sao cầm được
nước mắt. Hy vọng việc tôi quên nói từ “amen” ở cuối câu vẫn được tính là
một lời cầu nguyện đầy đủ.
Tôi không biết mình đã quỳ ở bồn tắm đó bao lâu. Đủ lâu để những giọt
nước mắt trên mặt khô đi và cái cổ cứng đờ vì mỏi.