Chung kết luận Tống Charlie cần phải có vợ, và đó là giải pháp giản dị nhất
để giúp Tống Charlie qua được sự buồn phiền. Văn Bình Chung còn tình
nguyện làm mai cho Tống Charlie nữa. Thực ra Văn Bình Chung cũng vừa
mới lấy vợ, được làm rể Nhiếp gia, một gia đình rất giầu sang, dòng dõi
quan tể tướng Văn Định Công đời nhà Minh. Gia đình này đã theo đạo
Thiên Chúa từ lâu đời. Chính Văn Bình Chung cũng đã giới thiệu Mai Sơn
Châu vào làm rể nhà họ Nhiếp, lấy cô con gái thứ hai của nhà này. Nhà họ
Nhiếp còn một cô gái út chưa chồng, và Văn Bình Chung tính làm mai cho
Tống Charlie.
Nhiếp phu nhân sinh được ba con gái. Theo tục lệ cổ truyền, bà bó chân
cho con gái để giữ được những bàn chân nhỏ xinh đẹp. Việc bó chân cho
hai cô con gái đầu lòng thì không có gì trục trặc. Nhưng đến cô gái út thì có
phản ứng bất lợi. Mỗi khi bị bó chân thì cô bé đau đớn đến phát sốt lên.
Cuối cùng Nhiếp phu nhân phải bỏ ý định ấy. Nhiếp Quế Sương, tên cô gái
út, lớn lên với hai bàn chân to bình thường. Nhiếp Quế Sương được gia
đình cho đi học theo lối tây phương và biết chơi đàn dương cầm. Chính ba
cái khuyết điểm: hai bàn chân to, học cao và chơi đàn là ba yếu tố bất lợi
cho đường chồng con của Nhiếp Quế Sương. Thời đó không ai chịu rước
về nhà một nàng dâu có tới những ba điều cấm kỵ như thế.
Nếu Nhiếp Quế Sương khó lấy chồng thì Tống Charlie cũng là một thanh
niên khó lấy được một người vợ đàng hoàng, vì dáng người thô xấu, mập
và lùn, vì thổ ngữ Hải Nam, và vì lợi tức thấp kém trong một xã hội chỉ
trọng kim tiền. Bởi vậy hai người gặp nhau thật là tương xứng. Nhiếp phu
nhân cũng nhận biết điều này, và bà mau lẹ chấp nhận lời cầu hôn của Tống
Charlie do Văn Bình Chung đại diện. Hôn lễ được cử hành vào mùa hè năm
1887. Sau đám cưới, Tống Charlie đưa vợ về nhiệm sở của mình. Với đồng
lương 15 đô la một tháng cho hai miệng ăn thì phải giật gấu vá vai mới đủ.
Tuy nhiên Nhiếp Quế Sương cũng đem về cho chồng một món hồi môn
đáng kể, và gia đình họ Nhiếp có thể đưa Tống Charlie vào các lãnh vực
kiếm tiền dễ dàng tại tô giới Anh ở Thượng Hải.