BÀ LỚN VỀ THĂM - Trang 5

„Tôi không miêu tả những con rối, mà miêu tả con người; tôi không trình
bày một ngụ ngôn, mà trình bày một sự việc; tôi không tung ra một bài học
đạo đức, mà tung ra một thế giới.“

„Những cốt truyện chỉ hay nhưng hoàn toàn vô hại thì có hàng đống. Vấn
đề là phải tìm được những cốt truyện khó chịu. Nó phải gây hấn. Đấy là
một dạng của bổn phận làm người hiện nay.“

Friedrich Dürrenmatt

______

Chưa bao giờ tôi cắt nghĩa được vì sao những tác giả viết tiếng Đức thân
thiết nhất với mình, ngoài Bertolt Brecht, lại luôn là những „người nước
ngoài“, theo nghĩa không phải người Đức: Kafka, Canetti, Robert Walser,
Paul Celan, Thomas Bernhard và Dürrenmatt. Sự nghiệp „dịch giả cuối
tuần“ của tôi bắt đầu bằng cuốn tiểu thuyết trinh thám Thẩm phán và đao
phủ (Der Richter und sein Henker) của Dürrenmatt, năm 1988 ra ở Nhà
xuất bản Văn Học, Hà Nội, khi tiếng Việt của tôi còn vụng dại đi sau tiếng
Đức rất nhiều bước, dĩ nhiên từ cái nhìn ân hận của nhiều năm sau. Thêm
vào đó, so với sự miên man trùng điệp và đôi khi nhảy nhót cảnh vẻ của
Günter Grass, cái văn phong như đẽo vào đá của Dürrenmatt có lẽ đã quyến
rũ tôi lâu hơn. Nên tháng 10 năm 2003 khi giám đốc Viện Goethe Hà Nội
Franz Xaver Augustin mời thực hiện bản dịch vở kịch Der Besuch der alten
Dame để Nhà hát Kịch Hà Nội dựng và dự định công diễn vào tháng chín
năm 2004, tôi đã nhận lời. Với một điều kiện: chuyển toàn bộ câu chuyện
vốn xảy ra ở một thị trấn Trung Âu cách đây nửa thế kỷ vào khung cảnh
Việt Nam hôm nay.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.