cuộc đấu giá những thứ đồ lặt vặt thảm hại. Lão có chất hài hước
rắn như gang và tính thiết thực của một người đàn ông hàng ngày
tiếp xúc với nỗi khốn khó mà bản thân vẫn không bị nó chạm đến.
Đống đồ được bán đi với giá vài chục xu. Phần lớn do một số
dân buôn mua. Khi viên phát mại ném cái nhìn về phía họ, họ chỉ uể
oải giơ một ngón tay lên, hoặc lắc đầu. Nhưng thỉnh thoảng còn có
một cặp mắt khác dõi theo ánh mắt của lão - cặp mắt trên một
gương mặt đàn bà đầy âu lo, cặp mắt ngước trông những ngón tay
của đám dân buôn như đang lĩnh hội lời răn của Chúa… đầy hy
vọng và sợ hãi. Có ba người - kẻ đầu tiên là Guido - đưa ra cái giá ba
trăm mác trả chiếc tắcxi. Bác máy máy đôi môi không thốt ra tiếng.
Trông bác như cũng muốn được cùng đấu giá. Những bàn tay bác
lặng lẽ buông thõng. Bác lùi lại.
Người tiếp theo trả bốn trăm mác. Guido nâng lên bốn trăm
rưỡi. Một lát im lặng. Viên phát mãi mời mọc xung quanh… “Không
còn ai nữa à… lần thứ nhất… lần thứ hai…”
Người đàn ông bên chiếc tắcxi đứng đó với cặp mắt mở to, đầu
cúi gằm, tựa như bác đang chờ một cái tát vào mặt.
“Một ngàn”, Koster nói. Tôi nhìn cậu ta. “Đáng giá ba ngàn” cậu
lẩm bẩm. “Mình không chịu đựng nổi cảnh bác ta bị làm thịt”.
Guido phác cho chúng tôi những dấu hiệu tuyệt vọng. Khi lao
vào chuyện làm ăn, gã đã quên phéng cái Mũi Thò Lò. “Ngàn mốt”,
gã chu lên, nháy với chúng tôi bằng cả hai mắt. Giá thử gã có một
con mắt nữa sau mông, thì gã cũng nháy.
“Ngàn rưỡi”, Koster nói.
Viên phát mãi bắt đầu khoa chân múa tay. Lão nhảy nhót, tay
huơ chiếc dùi như một nhạc trưởng. Đây là những con số khác hẳn
hai mác và hai mác rưỡi ban nãy.
“Một ngàn năm trăm mười”, Guido toát mồ hôi tuyên bố.