Chúng tôi đi lên buồng trên. Cô nàng tóc đen theo sau. Cặp mắt
linh lợi của ả đảo khắp mọi chỗ. Lão thợ bánh đâm cáu. Lão không
muốn tìm những tấm ảnh trước mặt ả. “Mặc bọn tôi chuyện riêng
với nhau”, cuối cùng lão nói thô bạo.
Cặp vú rung rinh khiêu khích dưới lần áo len chui bó sát người,
cô nàng quay ra. Lão thợ bánh lôi từ một cuốn anbom bọc nhung
xanh vài tấm ảnh đưa tôi xem. Bà vợ trong trang phục cô dâu, lão
đứng bên cạnh với bộ ria vểnh ngược, khi ấy bà còn cười… rồi một
tấm khác chụp bà ngồi ghé trên mép ghế, gầy gò, phờ phạc vì làm
lụng vất vả, ánh mắt sợ sệt. Chỉ hai tấm ảnh nhỏ đó thôi… nhưng là
cả một đời người.
“Được đấy”, tôi nói. “Dựa vào đây anh ta có thể làm được tất
cả”.
Ferdinand Grau diện một chiếc áo vét đen để tiếp chúng tôi.
Trông anh đáng kính và trang nghiêm. Công việc làm ăn của anh
đòi hỏi như vậy. Anh biết rằng đối với nhiều người đang có tang,
thái độ tôn trọng trước nỗi đau của họ còn quan trọng hơn là bản
thân nỗi đau.
Trên tường xưởng vẽ treo một số bức chân dung tao nhã lồng
trong khung thiếp vàng; bên dưới là những tấm ảnh nguyên bản
nhỏ xíu. Khách hàng nào thoạt nhìn cũng có thể thấy ngay từ một
tấm ảnh chụp vội đã phai màu, nghệ sĩ phải kỳ công đến đâu.
Ferdinand dẫn lão thợ bánh xem quanh phòng tranh và muốn
biết lão ưng ý bức nào nhất. Lão thợ bánh hỏi lại xem liệu giá cả có
phụ thuộc vào độ lớn của bức tranh hay không. Ferdinand đáp rằng
vấn đề không phải ở kích thước tranh mà ở cách biểu hiện nó. Lão
thợ bánh bèn tuyên bố lão thích bức lớn nhất hơn cả.
“Ông thật có óc thẩm mỹ”, Ferdman khen, “đấy là chân dung
công chúa Borghèse. Giá tám trăm mác. Kể cả khung”.
Lão thợ bánh rúm người lại. “Thế nếu không kể khung?”