“Dĩ nhiên rồi”, Ferdinand nói, “tôi sẽ vẽ món trang sức của bà
nhà nữa. Tốt nhất, lúc nào đó ông hãy mang lại cho tôi xem chừng
một giờ, để tôi vẽ cho giống”.
Lão thợ bánh đỏ mặt “Nhưng tôi không còn giữ nó. Nó… tôi đã
để ở chỗ họ hàng mất rồi”.
“Ra thế. Thôi, cũng chẳng sao. Trông nó có giống cái trâm gài áo
trên bức tranh kia không?”
Lão thợ bánh gật đầu. “Không hoàn toàn to như thế”.
“Được. Vậy ta sẽ vẽ nó giống thế. Còn chuỗi hạt thì không cần.
Vì ngọc nào chả như ngọc nào”.
Lão thợ bánh thở phào. “Bao giờ tranh vẽ xong?”
“Sáu tuần nữa”.
“Tốt”.
Lão cáo từ.
Ferdinand và tôi còn ngồi với nhau một lát trong xưởng vẽ.
“Anh cần những sáu tuẫn để vẽ bức chân dung kia à?” tôi hỏi.
“Làm gì đến. Bốn năm ngày là cùng: nhưng mình không thể cho
lão biết điều đó, nếu không lão sẽ tính ra mỗi giờ mình kiếm được
bao nhiêu và cảm thấy bị lừa. Nhưng con số sáu tuần làm lão vừa
lòng, cả với bức công chúa Borghèse cũng vậy. Bản chất con người
là thế, Robby thân mến ạ. Giả sử mình bảo thật lão đó là chân dung
một cô thợ may, thì trước mắt lão bức chân dung sẽ kém giá trị hẳn.
Thêm nữa đây là lần thứ sáu người ta nói với mình người đàn bà
quá cố cũng có món trang sức hệt như trong bức tranh ấy. Một sự
ngẫu nhiên trùng hợp đến thế. Bức chân dung cô Louise Wolff tốt
bụng quả là một món quảng cáo ấn khách lạ thường”.
Tôi ngó quanh. Từ bốn bức tường, những cặp mắt trên những
gương mặt bất động, thối rữa từ lâu dưới mồ, chăm chăm nhìn
xuống. Những bức chân dung không được thân nhân tới rước về,