sống. Điều đó trăm lần đáng giá hơn những tư tưởng sâu xa! Coi
chừng, anh sẽ còn si mê em nữa kia!”
Nàng cười. Tôi thận trọng đảo mắt xuống chân mình. Koster
nhỉnh hơn tôi một chút, và tôi đã phải dùng ghim băng xếch bớt cặp
quần lên cho tạm vừa. Ơn Chúa, nó vừa vặn.
Chúng tôi đi tắcxi đến nhà hát. Dọc đường tôi ngồi khá im lìm
mà không biết rõ tại sao. Khi hai đứa xuống xe và tôi trả tiền, tôi
như bị buộc phải nhìn người tài xế. Bác ta có cặp mắt thiếu ngủ đỏ
kè, râu ria không cạo, và trông hết sức mệt mỏi. Bác ta hờ hững
nhận tiền. “Hôm nay kiếm khá chứ?” tôi khẽ hỏi.
Bác tài ngước nhìn. “Tàm tạm…” bác nói giọng khước từ. Bác
cho tôi là một thằng khỏe tò mò.
Trong khoảnh khắc, tôi cảm giác lẽ ra tôi phải lên xe ngồi bên bác
mà phóng đi… rồi tôi quay đi. Pat đứng đó, thon thả, mềm mại, bên
ngoài chiếc áo dài lấp lánh bạc là chiếc áo vét kim tuyến ngắn, tay
thụng, trông nàng xinh đẹp bồn chồn. “Nhanh chân lên, anh Robby,
sắp bắt đầu rồi!”
Trước cửa vào dồn ứ những người. Đây là buổi công diễn đầu
tiên, nhà hát được rọi sáng bởi nhiều đèn pha, xe hơi nối đuôi nhau
xịch đến, các bà xuống xe trong những chiếc áo dài dạ hội, lóng lánh
đồ trang sức, các ông mặc lễ phục, mặt phốp pháp hồng hào, tươi
cười, hồ hởi, cao ngạo, vô tư lự… trong khi đó, những cỗ xe, kẽo kẹt,
ì ạch, rầm rầm lui khỏi đó với những anh tài mệt mỏi.
“Lại đây nào, anh Robby!” Pat gọi, mắt nàng nhìn tôi rạng rỡ,
xúc động. “Anh quên cái gì à?”
Tôi nhìn đám đông vây quanh với ánh mắt thù địch. “Không…”,
tôi nói, “anh có quên gì đâu”.
Rồi tôi lại bên quầy đổi vé. Tôi lấy hai chỗ ngồi trong lô mặc dù
giá đắt ghê gớm. Tôi không muốn để Pat ngồi giữa những con người