nhàu ngọt ngào, khe khẽ phát ra từ những chiếc đàn quay tay ở
quảng trường chợ… tôi lựa chọn giữa một vài chiếc sơ-mi và những
đôi bít tất của mình, tuồng như tôi giàu quần áo hơn thế gấp hai
chục lần, và vừa huýt sáo tôi vừa dốc túi của mình ra: vài đồng tiền
lẻ, một con dao, chìa khóa, mấy điếu thuốc lá… và đây, mảnh giấy
ngày hôm qua có ghi tên cô gái và số điện thoại của nàng. Patrice
Hollmann. Một cái tên kỳ quặc… Patrice. Tôi đặt mảnh giấy lên mặt
bàn. Có thật mới chỉ hôm qua thôi không? Nó đã lại lùi xa biết
mấy… gần như đã bị quên đi trong đám hơi men màu xám ngọc của
rượu… Thật tuyệt diệu là khi rượu chè… nó khiến ta mau chóng
sụp đổ… nhưng từ đêm tới sáng, nó cũng lại tạo ra những khoảng
trống, dường như đã trôi qua có đến hàng năm.
Tôi nhét mảnh giấy dưới một chồng sách, gọi điện chăng? Có lẽ
nên… cũng có lẽ không nên. Ban ngày ta nhìn những sự việc đại loại
luôn khác với buổi tối. Thật ra tôi hoàn toàn hài lòng vì có được sự
yên tĩnh của mình. Những năm vừa qua ầm ĩ như thế là đủ có điều
chớ để một chút gì đến với ta, Koster nói. Cái gì ta đã để đến với ta
rồi, ta cứ muốn giữ lấy. Mà giữ thì ta lại không thể…
Đúng vào lúc này bắt đầu nổ ra trận cãi vã sáng Chủ nhật
thường kỳ ở buồng bên cạnh. Tôi tìm chiếc mũ mà hẳn tôi đã bỏ lại
đâu đó tối hôm qua, và lắng tai nghe một lát. Đó là cặp vợ chồng
Hasse đang nổi khùng lên với nhau, cả hai sống ở đây đã năm năm,
trong một căn buồng nhỏ. Họ không phải là những người xấu. Giá
như họ có được một căn hộ ba buồng, với một gian bếp cho người
vợ, và ngoài ra thêm một mụn con nữa, thì cuộc hôn nhân của họ có
lẽ vẫn giữ được yên ấm. Thế nhưng một căn hộ đòi hỏi nhiều tiền,
và ai là kẻ dám sinh con vào giữa thời buổi bấp bênh này! Thế là họ
đành cứ sống chật chội, bà vợ sinh thói khỏe cáu gắt, còn ông chồng
ngay ngáy lo mất cái cương vị nhỏ nhoi của mình. Khi ấy ông sẽ đi
đứt. Ông đã bốn mươi lăm tuổi. Sẽ không ai thèm nhận ông vào làm
nữa, hồi ông đã một lần mất việc. Đó là nỗi cay cực… trước kia