phóng nông dân lao động khỏi ách địa chủ phong kiến, mọi người đều có
nhiệm vụ tham gia…”
Tôi cũng khéo lèo lái, lẩn lút tránh được tới khi về Hà nội vẫn chưa đi.
Tưởng chiến thắng về Hà nội giải phóng thế là đã hết mọi việc xóm làng,
hoá ra vẫn còn. Không thể thoát, bây giờ chỉ mới hết giảm tô, còn cải cách.
Cơ quan đã đi cạn kiệt cả, lần ày đích tôi có tên trong danh sách đi rồi
không còn ngõ ngách nào lẩn nữa. Thế là phải đeo ba lô đạp xe đi. Tôi vào
Thanh Hoá dự tổng kết các bước công tác của các đội vừa qua dưới xã. Lúc
đầu tôi lo cứ rối tinh. Nhưng rồi cả tháng vừa nghe vừa hỏi thì cảm như
mọi việc khuôn phép dần đâu vào đấy, công tác này cũng thế thôi. Có gì
khó hơn cái sổ sách kế toán, mình chẳng học mà cũng thành nghề cộng trừ
nhân chia, thế ra đi cải cách không đáng sợ như những đứa đã đi về đồn
thổi, doạ dẫm.
Mụ hàng bánh đúc chỉ đường cho chúng tôi về xã. Áng chừng mươi cây số,
hễ sắp hỏi thăm là có người mách lối đi, như là ai cũng biết mình về đấy
rồi. Cái ba lô đeo trên lưng đã thấm đen mồ hôi. Đoàn người nhấp nhô đi
quá buổi trưa. Đội trưởng vẫn thoăn thoắt dẫn đầu cho nên không ai dám ể
oải. Gió mát hây hẩy mà mồ hôi đổ ra dính lưng nham nháp. Mặt trời lờ mờ
nghiêng trước mặt, người đi trên đê trỏ xuống cánh bãi bảo kia kìa, làng ấy
đấy. Những khoanh tre xanh ngắt quây xóm làng ven con đe qua. Từng
khúc đầm nước trong veo lác đác đám lá sen già đưa mùi thơm như rơm
mới. Chắc xưa kia chỗ này vỡ đê hay dòng sông cũ còn lại hõm loáng
thoáng thành những đầm nước. Giữa cánh đồng, một mỏm núi đá chơ vơ.
Bên cạnh, còn trông thấy cái lô cốt xi măng tháp canh của bốt hương dũng.
Chúng tôi xuống, vào ngôi đền đầu thôn. Lại cái đền hoang, hai d\bên
tường đổ trống huếch nhưng vẫn còn bệ gạch chưa ai ăn trộm. Đội trưởng
Cự nhìn quanh, thấy người đi trên đê qua lại, chưa yên tâm đã được bảo
mật. Cả bọn chui vào cái sân cỏ mọc lưng ống chân cho được kín đáo chặt