Năm ấy tôi ngót ba mươi. Từ tấm bé chỉ ở thành phố. Đến tuổi đi làm kiếm
được chân giữ cửa trông kẻ cắp cho hiệu thịt bò “Sáp phăng giông” phố
Tràng Tiền. Cách mạng thì vào tự vệ phố, đến lúc kháng chiến, không còn
đội tự vệ nữa, nhưng tự cho mình là Việt Minh, tôi đi theo kháng chiến lên
Việt Bắc. Những chuyện tôi đi được cũng là gian nan. Tản cư, vợ tôi và con
gái mới ba tuổi chạy lên Nủa trên Sơn Tây. Tất cả trai tráng phố tôi lại vào
tự vệ. Phố tôi bị Tây trong thành tràn ra vây phải dồn vào liên khu Một
giữa thành phố. Ta điều đình được với Tây để cho người già, trẻ con được
ra ngoài. Lối ra trên đê làng Yên Phụ. Có lãnh sự Anh và lãnh sự Tàu đứng
ra chứng kiến.
Tôi trốn đội tự vệ trà trộn trong đám người lố nhố ra. Trời lạnh, tôi chít
xùm xụp cái khăn vuông mỏ quạ, giả làm bà già, đi qua ngay trước mặt các
ông lãnh sự trong trạm kiểm soát nhòm ra. Tôi thoát được lên Nủa tìm vợ
con. Hỏi thăm cả làng, cả cái chợ giời tản cư, về sau gặp lại người biết, đã
bảo mẹ con cô ấy theo người ta vào Hà nội rồi.
Tôi chưa biết đi đâu, cũng không dám “dinh tê”, sợ Tây biết tôi là tự vệ, tôi
mò lên Thái Nguyên, rồi sang Tuyên Quang, lên thị xã Bắc Cạn, quanh
quẩn ở những vùng đông người tản cư dưới xuôi lên. Cũng không có vốn
mở hàng quán, tôi xin vào làm phát hành sách báo. Vào cơ quan bấy giờ dễ,
cứ đến xin việc là được nhận ngay. Hàng ngày mấy chục quang gánh sách
báo Cứu Quốc và sách nhà Sự Thật quảy xuống khu Ba, khu Tư - như
những đoàn người thồ muối lên miền ngược. Không ai biết tôi trước kia
làm loong toong, làm cu-li giữ cửa và đã trốn tự vệ. Chỉ biết tôi là người
trong Hà nội ra có đôi ba chữ nên anh em cho giữ sổ sách văn phòng và
kho. Ở trong rừng, cơ quan chỉ có quyển sổ cái ghi các thứ trong kho, xà
phòng đường ta, quần áo khi nâu, khi nhuộm thâm trên phát về.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ rời Hà nội được giải phóng, tôi trở lại thành