đã”. Cả bọn đi hàng một từ tốn bước sau Cự. Dường như sợ đội trưởng thay
đổi ý kiến, phải cố làm ra vể hiền lành thế. Chúng tôi đều quần áo nâu bàng
bạc, dép râu, mũ lá, có người mặt bạc phếch như mới ốm dậy. Đội trưởng
Cự thì lúc nào cũng phừng phừng, lúc nhếch mép cười, lúc cáu kỉnh, cũng
thế.
Chợ sớm dần đông. Đương mùa khô kiệt, những mạt cám bày la liệt khắp
nơi. Lác đác, người đem trẻ con đi bán như trảy quả mít, một bên đứa trẻ
ngồi nhấp nhổm víu quang gánh, một bên tảng đất để cho cân. Chúng tôi,
anh mặc lành, anh mặc tã, dị dạng, người trong làng về chợ nhìn tránh ra
chiều e dè. Đã hai năm, đoàn uỷ đóng ở cái đền này. Hàng chợ đã thấy
nhiều cán bộ đi về, áo cánh, áo vét khác nhau, nhưng biết đấy là những
“anh đội” xuống xã hét ra lửa. Chẳng bận đến người ta cũng ngại, lẩn đi,
bước né bên đường. Đội trưởng Cự đột nhiên đứng lại: “Chúng ta ăn bánh
đúc!” Cả bọn lập tức xà vào hàng bánh đúc ngô. Mụ hàng hớt hải sang bên
các lều bán nộm chuối, đu đủ xanh, nước chè tươi mượn mấy mảnh tre mới
đủ ghế khách ngồi.
Chợ đã nhiều người nhưng chợ sớm chưa ai lê la hàng quà. Bọn người lạ
mà ai cũng biết là các anh đội, khiến những mụ ăn quà như mỏ khoét và cả
đám ăn mày cũng không dám lảng vảng. Từng chiếc bánh ngô lưỡi mèo
vàng hây, giữa rốn mỗi chiếc đặt mảnh cháy vàng rộm. Một bát đàn tương
mặn chát. Có anh đội bưng hẳn bát tương lên để chấm và húp, khỏi phải cúi
lom khom và ngồm ngoàm hay là cứ nuốt chửng cả cái không ai trông thấy.
Anh đội cũng đói như mọi ai. Có người hỏi bâng quơ: “Bánh ngô chấm
tương à?” Mụ hàng trả lời ngẩn ngơ như nói giữa trời: “Thời buổi khó khăn
lắm, hạt vừng cũng là hạt vàng đấy”.
Chẳng biết khó khăn thế nào, cái bánh ngô xay bùi bùi, ngọt ngọt, vả lai
đương đói móp bụng.