cấm, phải chạy nhiều cửa mới có chén rượu, có miếng xương này. Mai đến
đây, khối việc. Mày không ra sao cả.
Tôi thì không ra sao từ lâu lắm rồi. Cái vốc tiền dạo trước cũng chỉ nuốt hết
chứ có nên trò trống gì đâu. Nghe nói thế tôi coi như ông chủ đang mặc cả
công. Được thì gật, không thì lắc, chẳng còn biết đỏ mặt. Nghe nó nói cũng
thuận, có khi mà hay, đỡ nắng gió, khỏi phải há mồm nhảy bơm, mà cái của
trời ơi của tư sản giẫy chết kia thì biết bao giờ nó còn rơi xuống nữa. Tôi
gật gù, lóng ngóng.
Tư Nhỡ đập bốp bàn tay bên kia vào tay tôi.
- Mai đến nhé.
Tôi bước len lét, lử khử, râu ria lướp tướp như con chó ốm. Mở cửa trông
thấy cái tròng lọng ruột tượng lơ lửng giữa nhà. Tôi mới nhớ lại. Tôi cúi
xuống, vứt lại vào cái hòm rác rưởi. Quên ngay, tưởng như chưa khi nào đã
định chết thắt cổ.
Tôi ngủ say như chết. Hôm sau, tôi cưỡi cái bơm, mỏi nhức lên đến cánh
tay. Thật không thể trông vào cái bơm được nữa rồi. Cái bọc tiền đã giết
tôi. Nhớ đến những câu chuyện với tư Nhỡ lại càng đau ê ẩm.
Một buổi sáng, tôi đến nhà tư Nhỡ.
Tư Nhỡ cười, vỗ vai tôi.
- Biết anh còn nghĩ đi nghĩ lại mấy hôm mà. Cũng sĩ diện chứ, nhưng mà
cái bơm chỉ bằng cái tăm hương ấy mà nặng đấy.
Tôi bắt đầu làm một công việc kỳ quái mà dễ hiểu. Không phải phụ bếp,
không lau bàn, bưng bê, không rửa bát hay giết gà, mổ lợn - thịt gà và từng
súc thịt lợn sống đã có cái cô út làm nhà mậu mỗi buổi đèo trộm về một túi
ni lông rồi.
Tôi đi lấy bánh phở. Hồi ấy, cả thành phố trông vào tem phiếu gạo. Bánh
trái, chè cháo hàng quán đều dùng đến gạo, bột gạo đều bị cấm, nhưng
người ta vẫn chui lủi, thế nào cũng có cách nhoi ra. Mỗi ngày hai buổi đúng
giờ như người đi làm cơ quan, tôi vác một bị bánh phở nặng lệch vai về.
Tư Nhỡ dặn:
- Chỗ lấy bánh này nghiêm lắm. Anh có bộ đại cán hay đấy, dễ vào. Những
cấm nói, không được nhìn ngang nhìn ngửa. Đêm bánh về đến đây, gặp