“Bố mẹ Omi,” Govind nói, ánh mắt và giọng nói đều hạ xuống. “Tôi
không thể nói họ bị hủy hoại ra sao. Trong nhiều tuần, ngôi đền có nhiều
khách trong khu dân cư đến thăm và họ chỉ cầu nguyện cho Omi, Dhiraj và
Mama. Tại lễ tang, bố Omi khóc khi năm ngàn người từ khắp Ahmedabad
đến dự. Mẹ Omi ngã bệnh sau một tuần bỏ ăn. Bà ấy phải nằm viện một
tháng.”
Nội tâm tôi tranh đấu không biết có nên đặt tay mình lên bàn tay xanh tái
của Govind đang kê trên chăn không.
“Suốt hai tháng, tôi không đến cửa hàng. Tôi đã cố liên lạc với Ish,
nhưng... Nếu tôi đến gặp cậu ấy, cậu ấy sẽ sập cửa ngay trước mặt tôi.”
“Anh có nói chuyện với Vidya không?”
Govind lắc đầu. “Nói chuyện với Vidya thì tuyệt nhiên là không rồi. Họ
giam lỏng cô ấy trong nhà. Bố cô ấy đập nát điện thoại cô ấy. Các kênh
truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin sau vụ Godhra và những cuộc nổi loạn.
Nhưng đời tôi đã sụp đổ. Tôi đã sống sót qua những chuyện đó. Lúc ấy tôi
có uống thuốc tự tử đâu. Đừng có vì hôm nay tôi nằm đây... mà cho rằng
không mạnh mẽ.” Cậu ta ngừng lại. “Ba tháng sau biến cố kia, mẹ Omi về
nhà. Bà bảo tôi mở lại cửa hàng. Omi đã bảo với bà đó là nơi nó yêu thích
nhất trên đời này. Mama đã mất, nên cửa hàng lúc này là của mẹ Omi. Và bà
muốn để nó cho chúng tôi, để giữ lại kỷ niệm về con trai bà.”
“Vậy cậu đồng ý?”
“Lúc đầu tôi không thể nhìn thẳng vào mắt bà. Tội lỗi... vì đã khiến Omi
chết, vì tôi có một phần lỗi trong cái chết của Mama, vì đã mừng khi Mama
chết. Nhưng bà không hiểu gì về những ác mộng của tôi, và dù sao tôi phải
kiếm sống. Công việc thua lỗ. Chúng tôi đã nợ nhiều hợp đồng. Nên tôi
quay lại cửa hàng. Ish bảo với mẹ Omi nó sẽ đến, nhưng không muốn liên
quan đến tôi. Mẹ Omi muốn cả hai, nên chỉ có một giải pháp duy nhất.”
“Là gì?”
“Chúng tôi chia đôi cửa hàng. Chúng tôi dựng một bức vách ván ép ở
giữa. Ish lấy phần bên phải và tiếp tục kinh doanh hàng thể thao. Tôi nhận