phần bên trái và chuyển thành cửa hàng bán đồ dùng học sinh và sách giáo
khoa. Khách hàng của tôi thường đến chỗ cậu ấy và ngược lại. Chúng tôi
bán đồ dùng học tập và đồ thể thao cùng một nơi, nhưng không bao giờ,
không một lần nói chuyện. Ngay cả khi Ấn Độ vào vòng chung kết World
Cup 2003 cũng không. Ish giờ đây xem trận đấu một mình, và không bao
giờ nhảy cẫng lên vì một pha đánh bóng sáu điểm.
“Cậu có liên lạc với Vidya không? Và chuyện gì xảy ra với Ali?” tôi nhận
ra mình hỏi nhiều hơn là nói lời an ủi. Nhưng tôi phải biết.
“Họ gửi Vidya đến Bombay để học một khóa PR. Điều tích cực nhất cho
cô ấy là thế. Họ muốn tách cô ấy khỏi tôi, dù cô ấy có vào trường y hay
không. Vậy là Vidya đã xổ lồng. Cô ấy được lệnh không bao giờ nói chuyện
với tôi. Tuy nhiên, cô ấy thích phá luật và đã vài lần thử liên lạc với tôi.
Nhưng lần này tôi không bao giờ đáp lại. Tôi không thể làm được... Tôi gặp
anh trai cô ấy hằng ngày. Tôi chỉ muốn kiếm càng nhiều tiền càng tốt, và tiết
kiệm cho Ali.”
“Để nuôi cậu bé à?” tôi nói và nhấp một ngụm trà. Tại sao trà bệnh viện
mùi giống thuốc tẩy thế?
“Ali giờ ở trong nhà Ish, nên nó sẽ được nuôi dạy tốt ở đó. Nhưng chúng
tôi cần tiền để phẫu thuật cổ tay cậu bé. Rất nhiều tiền”, Govind nói.
Y tá đến phòng kiểm tra đầu giờ sáng. Govind bảo cậu ta muốn đi vệ sinh.
Y tá đồng ý và tháo ống truyền nước lẫn dây nối thiết bị gắn trên người.
Tôi chờ đợi trong lo âu, đầu óc tôi bị giằng xé bởi những hồ nghi về sức
khỏe của cậu ta, chừng mười phút sau anh ta quay lại.
“Phẫu thuật gì?” tôi hỏi.
“Cổ tay Ali bị thương. Nghĩa là không còn khả năng xoay gậy cho đúng
thời điểm nữa. Tôi đã cứu mạng cậu bé, nhưng một giây chậm trễ của tôi
khiến cậu bé trả giá bằng tài năng của mình. Tôi đã kể rồi, một giây đó là sai
lầm thứ ba trong đời tôi.”
“Cậu đã làm hết sức mình rồi. Chỉ chậm trễ một lát thôi mà,” tôi trấn an.