“Tôi là đội trưởng đội bóng liên trường trong vùng này, thưa cô. Chính cá
nhân tôi cũng đã chọn loại gậy này,” Ish nói đầy chân thành như bố của Omi
lúc cầu nguyện.
“Đi mà mẹ,” Harsh nói, và kéo vạt áo sari của bà. Cú kéo đó chạm vào ví
bà ta, bà mở ví và rút hai tờ một trăm rupi.
Xong. Chúng tôi đã chốt xong thương vụ trong ngày. Cây gậy chúng tôi
nhập một trăm sáu mươi đồng, nên lợi nhuận là bốn mươi, tôi reo lên trong
đầu.
“Tạm biệt nhà vô địch.” Ish vẫy tay chào Harsh.
“Hôm nào sinh nhật em em cũng sẽ đến cửa hàng anh,” Chinu nói.
“Mày tuyệt quá, Ish,” tôi nói và đập tay với mọi người.
“Thằng nhóc học nhanh lắm. Nếu nó tập luyện, nó sẽ là cầu thủ giỏi đấy.
Dĩ nhiên, khi nào nó lên lớp mười mẹ nó sẽ nhồi cho nó học. Tư thế duy
nhất của nó sẽ là ngồi vào bàn với những cuốn sách,” Ish nói.
“Đừng nản thế chứ,” tôi nói. “Chúng ta kiếm được bốn mươi đồng bán
gậy, và bốn đồng bán hai quả bóng. Chúng ta lời bốn mươi bốn đồng, thưa
các vị.”
Chúng tôi bán được mấy cái kẹo, và thêm hai quả bóng nữa trong hai giờ
tiếp theo. Tổng lợi nhuận của ngày đó là năm mươi đồng. Chúng tôi chuyển
những cái gậy và giỏ bóng vào trong, rồi đóng cửa hàng lúc 7 giờ tối, sau lễ
puja. Để ăn mừng ngày khai trương, chúng tôi chọn quán chana-bhatura.
Với mỗi đĩa bốn đồng, tôi có thể hạch toán số đó vào chi phí kinh doanh.
“Tao có được mang chút tiền về nhà không? Tao thực sự muốn đưa khoản
thu nhập đầu tiên cho mẹ,” Omi vừa nói, vừa tống nửa quả ớt cùng miếng
bánh bhatura nóng hổi vào miệng.
“Hượm đã nào, đây không phải lợi nhuận thực. Đây là phần chi phí.
Chúng ta phải trả tiền thuê gian hàng trước, rồi chúng ta sẽ thấy.” Tôi đặt
chiếc đĩa lên quầy, “Chúc mừng, chúng ta đang kinh doanh.”
BA THÁNG SAU