“Đúng, những con đực trong cùng một đàn đánh nhau dữ dội - để tranh
giành thức ăn, con cái, hay bất cứ điều gì. Tuy nhiên, sau cuộc đấu, chúng
trải qua một nghi lễ kỳ lạ. Chúng hôn nhau, vào môi.”
Đến Omi cũng phải phì cười.
“Vậy người Hindu và người Hồi giáo nên hôn nhau à?” tôi nói.
“Không, vấn đề là nghi lễ đó do tự nhiên tạo ra. Để đảm bảo rằng cuộc
tranh chấp đã được giải quyết và đàn tinh tinh vẫn chung sống với nhau.
Thực ra, bất cứ mối quan hệ lâu dài nào cũng cần điều này.”
“Bất cứ sao?” Ish nói.
“Đúng, cứ lấy chuyện vợ chồng làm ví dụ. Họ cãi nhau, làm tổn thương
tình cảm của nhau. Tuy nhiên, cuối cùng họ dàn hòa, bằng cách ôm nhau,
tặng quà hay là nói với nhau những lời đẹp đẽ. Các cơ chế hòa giải này rất
quan trọng. Vấn đề trong quan hệ đối đầu giữa người Hindu và Hồi giáo ở
Ấn Độ không phải chuyện bên này đúng bên kia sai. Mà là...”
“Không có cơ chế hòa giải,” Ish nói.
“Đúng, thế nghĩa là nếu các chính trị gia đổ dầu vào lửa, thì không có lính
cứu hỏa để dập tắt. Nghe có vẻ thô lỗ, nhưng Omi đúng đấy. Trong lòng mọi
người cảm thấy. Bằng cách không nói ra, những bất đồng không mất đi.
Những phẫn uất cứ dồn nén, đến khi bộc lộ ra thì quá muộn rồi.”
Chúng tôi đã ra đến đường chính và dừng lại cạnh một hàng bán trầu cau.
Tôi hiểu ra tại sao bố Ali đi cùng chúng tôi. Ông muốn ăn trầu sau bữa tối.
“Bác nhắc Ali đến đúng giờ nhé,” Ish nói khi chúng tôi vẫy tay chào.
Suốt cả đêm tôi cứ nghĩ về hình ảnh những con tinh tinh hôn nhau.
***
Ali đến đúng giờ, trong bộ đồ kurta trắng. Một tay nó cầm cuốn sách toán,
tay kia cầm gậy.
“Chơi cricket trước. Bỏ sách ra,” Ish nói.