Thật là giản dị. Ra khỏi Sài Gòn, hòa đồng với thanh niên ở một
quận hẻo lánh xa xôi, chú mới biết rằng chỉ có một số thanh niên kiều
dưỡng ở đó mới có những tư tưởng bi quan quái gở. Họ thuộc “Đợt
sống mới thực tập” bị lôi cuốn vào nếp sống thác loạn của thời đại do
sự dao động mãnh liệt của những luồng sóng tư tưởng Tây phương
thời hậu chiến. Họ thấy nếp sống ấy là lạ, hay hay, chớ chưa bao giờ họ
tìm ra nguyên nhân sâu xa đã tạo ra hiện tượng đó. Họ chỉ hiểu nhân
sinh quan triết học một cách mù mờ rồi vội tập tễnh thực hành một
cách say sưa, lệch lạc.
Có điều chú nhận thấy lời của Hạnh ngày nào là đúng, nếu ta hiểu
rộng rãi lời khuyên của Musset (mà có lẽ Musset không nghĩ như vậy).
Phải, yêu đương và đau khổ là phương châm lý tưởng của chúng ta
ngày nay, nếu ta hiểu: YÊU ĐƯƠNG là thương yêu đồng bào và ĐAU
KHỔ là đau niềm đau của dân tộc.
Được như vậy, ta sẽ không còn sợ cô đơn, vì tâm hồn ta đã hòa
đồng với tâm hồn dân tộc. Phải thế không, Hạnh?
Chúc Hạnh, Loan vui vẻ, yêu đời và hạnh phúc.
Người chú phương xa
HOÀNG
Trảng Bàng, ngày 5-6...
Cháu Phượng mến,
Cậu về đất Trảng để nhìn lại quê hương u buồn sau hơn hai mươi
năm khói lửa. Cậu về đây để rèn luyện những mầm non ở nơi chôn
nhau cắt rốn. Phượng có biết không khí Trảng Bàng và không khí Sài
Gòn khác nhau thế nào không?