càng khó tin hơn nữa.
Nhưng không. Anh kia vẫn ở nguyên chỗ cũ, hai mắt mở thao láo, miệng
mỉm cười nhìn bác sĩ đang ngồi giường trên, thòng hai chân xuống.
Que diêm đã tắt, Zhivago bật thêm que nữa, và dưới ánh sáng của nó,
chàng nhắc lại lần thứ ba câu hỏi của mình, vì muốn người kia trả lời cho
dứt khoát.
- Tuỳ ông, - anh ta trả lời ngay, - tôi chả có gì mà sợ mất trộm. Vả lại, có lẽ
không nên đóng hẳn. Sẽ khó thở.
"Thú vị chưa! Zhivago nghĩ thầm. - Một người thật kỳ dị! Hẳn anh ta có
thói quen chỉ nói chuyện lúc có ánh sáng. Và vừa rồi anh ta nói rất đúng
giọng, chẳng sai âm nào cả! Thật quỷ cũng không hiểu nổi!".
15.
Bác sĩ Zhivago cảm thấy mệt lử vì những chuyện xảy ra tuần trước, vì
những xúc cảm trước ngày ra đi, vì đã phải sửa soạn cho cuộc hành trình và
đã phải ngồi suốt từ sáng ở hàng lang trên chuyến tàu trước. Chàng tưởng
rằng có chỗ nằm tử tế là sẽ ngủ được ngay. Nhưng cái mệt quá độ đã làm
cho chàng mất ngủ. Mãi đến gần sáng mới thiếp đi được.
Bao nhiêu tư tưởng chen chúc trong tâm trí của chàng, suốt mấy tiếng đồng
hồ ròng rã ấy là cả một mớ lộn xộn, song, như người ta nói, vẫn có thể sắp
xếp thành hai vòng tròn, hoặc hai mớ dây lúc cuốn vào, lúc lại bung ra.
Vòng thứ nhất là các ý nghĩ của chàng về Tonia, về ngôi nhà và về cuộc
sống hoà thuận trước kia, trong đó mọi sự, cho đến từng chi hết nhỏ nhất,
đều toát ra chất thơ, đều thấm đượm tấm tình tha thiết và sự trong sáng.
Bác sĩ lo sợ cho cuộc sống đó, mong nó được hoàn toàn nguyên vẹn, và
nằm trên chuyến tàu tốc hành đêm nay, chàng nóng lòng trở lại với nó sau
hơn hai năm xa cách.
Lòng trung thành và sự thánh phục của chàng đối với cách mạng cũng nằm
trong cái vòng thứ nhất này. Đó là một cuộc cách mạng theo ý nghĩa mà các
tầng lớp trung lưu chấp nhận, và theo như quan niệm của đám thanh niên
học sinh năm 1905, là tầng lớp vốn ngưỡng mộ nhà thơ Blok.
Nằm trong cái vòng thân quen này còn có cả những dấu hiệu của cái mới,
những lời hứa hẹn và những điềm báo từng xuất hiện ở chân trời dạo trước