của người La Mã, một trong những điều bí ẩn thời nay. Nhưng tôi đang sa
vào ảnh hưởng của ông và bắt đầu hót theo ông mất rồi. Tôi chả muốn sự
thể ra như vậy. Tôi với ông không đồng nhất về tư tưởng. Đành rằng có
những cái khó nắm bắt, những cái không cần thiết, thì tôi với ông quan
niệm giống nhau. Nhưng khi đụng tới những chuyện rộng lớn, đến triết lý
cuộc sống, thì tôi với ông cứ đối lập nhau lại hay hơn.
- Nhưng ta hãy trở lại chuyện Strelnikov.
- Hiện nay anh ấy đang ở Sibiri, và ông nói đúng, tôi cũng nghe đồn rằng
người ta chê trách anh ấy, tôi nghe mà cứ lạnh cả tim. Hiện anh ấy đang ở
Sibiri, ở một trong những mũi nhọn của chúng ta, đang giáng đòn chí tử
vào người bạn thuở thiếu thời và sau đó cũng từng là chiến hữu của anh ấy
ở ngoài mặt trận, ấy là anh chàng Galiulin tội nghiệp, một người thừa biết
tên thật của Strelnikov, biết tôi là vợ anh ấy, song với một sự tế nhị cao
quý, không hề để tôi cảm thấy một chút gì về điều đó, mặc dầu chỉ nghe
nhắc đến cái tên Strelnikov, Galiulin đã sôi máu và hết cả bình tĩnh rồi.
Vâng, vậy là hiện tại anh ấy đang ở Sibiri. Cái dạo anh ấy còn ở vùng này
(anh ấy ở đây khá lâu và lúc nào cũng sống trên cái toa tàu bọc thép mà ông
đã gặp anh ấy) tôi luôn luôn tìm cách chạm trán với anh ấy một cách bất
chợt, tình cờ. Thỉnh thoảng anh ấy có đến bộ tham mưu, đặt ở trụ sở trước
kia của Bộ chỉ huy Komus - quân đội của Hội nghị Lập hiến. Số phận thật
trớ trêu. Lối vào bộ tham mưu lại nằm ngay ở chỗ Galiulin vẫn tiếp tôi dạo
trước, khi tôi đến nhờ Galiulin can thiệp để cứu giúp một số người. Chẳng
hạn hồi ấy ở trường võ bị có chuyện làm xôn xao dư luận: bọn học viên
rình rập và bắn chết những giáo viên không vừa ý chúng, viện cớ họ có
cảm tình với Bolsevich. Hoặc khi bắt đầu những cuộc truy lùng và tàn sát
dân Do Thái. À, nhân câu chuyện, tôi nói với ông, nếu chúng ta là lao động
trí óc ở thành phố này, thì một nửa số người quen biết của ta sẽ là dân Do
Thái. Và vào giai đoạn tàn sát ấy, khi những trò dã man, hèn hạ ấy xảy ra,
thì ngoài sự phẫn nộ, xấu hổ và thương xót, chúng tôi còn bị ám ảnh bởi
cảm giác nặng nề về tính chất hai mặt, rằng sự thông cảm của mình chỉ tiến
bộ được một nửa, còn nửa kia là dư vị giả dối đáng ghét.
Những người từng một thời giải phóng nhân loại khỏi cái ách tôn thờ ngẫu