Mười lăm phút sau, có tiếng bước chân xa dần tư viện, gõ lộp cộp xuống
lớp ván lát vỉa hè. Đó là bà Galudina, chủ tiệm tạp hoá, bỏ giờ kinh vừa
mới bắt đầu, đi về nhà. Bà bước không đều, lúc như chạy, lúc dừng chân.
Bà choàng chiếc khăn vuông trên đầu, mặc chiếc áo lông không cài cúc.
Trong nhà thờ bí hơi, bà cảm thấy khó chịu trong người, bèn bỏ ra về, và
bây giờ bà cảm thấy xấu hổ, Tiếc rằng đã không ở lại cho hết buổi lễ và đã
không chịu lễ hơn một năm nay. Nhưng cái lý do chính khiến bà phiền
muộn không phải chuyện đó, mà là cái lệnh động viên dán la liệt khắp nơi
ngày hôm qua, theo đó, thằng con trai Teresa ngờ nghệch tội nghiệp của bà
sẽ phải đăng lính. Bà đã cố gạt cái ý nghĩ khó chịu ấy ra khỏi đầu, nhưng
những tờ cáo thị la liệt cứ trắng lên trong bóng tối buộc bà phải nhớ đến nó.
Chỉ còn ít bước nữa, qua góc phố, là tới nhà bà, nhưng bà cảm thấy ở ngoài
trời dễ thở hơn. Bà chưa muốn trở về nhà, vào cái chốn ngột ngạt ấy làm gì
vội.
Tâm trí bà rặt những ý nghĩ buồn phiền. Giả dụ bà lần lượt nói lên thành
tiếng các ý nghĩ ấy, thì bà sẽ chẳng đủ chữ nghĩa và có đến sáng cũng
không đủ thời gian. Còn ở đây, ở ngoài đường, các ý nghĩ phiền muộn ấy
được dồn cục lại và có thể xua tan chúng đi trong vài phút, trong vài lượt đi
từ cổng tư viện đến góc quảng trường và ngược lại.
Sắp tới lễ Phục sinh mà chả có mống nào ở nhà, mọi người đều tứ tán, bỏ
bà ở lại một mình. Một mình thật à? Một mình hẳn thế rồi. Con bé
Acxinhia thì kể làm gì. Vả lại, nó là ai? Ai biết lòng dạ nó thế nào? Có thể
nó là bạn, có thể là kẻ thù, có thể là một đối thủ ngấm ngầm: Nó là di sản
cuộc hôn nhân thứ nhất của chồng bà - Chồng bà bảo đó là con nuôi của
ông. Con nuôi hay con ngoài giá thú? Có khi cũng chẳng phải là con nuôi
con đẻ gì cũng nên. Khéo lại là bồ bịch gì không chừng! Đố ai thấu được
lòng dạ bọn đàn ông? Dù sao, cũng phải nhận xét công bằng về Acxinhia.
Con bé thông minh, xinh xắn, đoan trang. Nó khôn bằng mấy cái thằng
ngốc Teresa và cả lão bố nuôi nó.
Vậy là sắp đến ngày lễ Thánh mà chỉ có một mình bà, những người khác đã
bỏ nhà chạy nháo mỗi kẻ một nơi cả rồi.
Chồng bà, ông Galudin Vlasia, thì ngược xuôi dọc đường cái quan để diễn