còi tín hiệu, thoạt đầu còn khàn khàn, sau mỗi lúc một trong và đều như
tiếng kêu tự đáy lòng Tiverzin, thì đã có những đoàn người xuất phát từ đề-
pô và từ ga hàng hoá, nhập bọn với một đoàn người vừa bỏ việc theo hiệu
còi của Tiverzin phát ra tại gian nồi hơi, để cùng tiến vào thành phố từ chỗ
cột tín hiệu cho tàu vào ga.
Trong nhiều năm, Tiverzin cứ tưởng rằng đêm hôm ấy một mình anh đã
làm ngừng toàn bộ công việc giao thông trên tuyến đường. Mãi đến ngày bị
đưa ra toà, bị ghép vào nhiều tội trong đó không hề có tội xúi giục bãi công,
anh mới hiểu ra sự thật. Người ta chạy ra hỏi: "Kéo còi có việc gì vậy? Họ
gọi đi đâu thế?" Rồi tiếng trả lời từ trong bóng tối: "Điếc hay sao mà không
nghe thấy còi báo động. Gọi đi chữa cháy đấy". - "Cháy ở đâu vậy" "Nếu
người ta kéo còi, ắt là có hoả hoạn ở đâu đó".
Những tiếng sập cửa, thêm những người mới bước ra. Vài giọng nói khác
vang lên.
- Nói bậy đấy, cháy đâu mà cháy! Đồ dân quê! Đừng nghe lời bọn ngốc.
Tiếng còi ấy là hiệu lệnh bãi công, hiểu chưa?
- Đây, xin giao trả dây cương và roi ngựa, từ nay tôi chẳng hầu hạ ông nữa.
Về nhà thôi, anh em ơi.
Người ta bỏ việc ra về mỗi lúc một nhiều. Công nhân xe lửa đã bãi công.
7.
Mãi ngày thứ ba Tiverzin mới về nhà, người rét run, buồn ngủ díp mắt, râu
mọc lởm chởm. Đêm qua trời rét buốt hơn mọi năm cùng thời điểm này,
trong khi Tiverzin chỉ ăn bận theo kiểu mùa thu. Về đến cổng, anh gặp bác
lao công Ghimazetdin.
- Xin đa tạ ngài Tiverzin, - bác ta kính cẩn nói. - Ngài đã che chở cho cháu
Yuxupka, suốt đời chúng tôi sẽ cầu Chúa phù hộ cho ngài.
- Ơ hay, bác Ghimadeđin, bác quẫn trí hay sao mà bác gọi tôi là ngài?
Mong bác bỏ cái lối xưng hô ấy cho tôi nhờ. Bác thử nói xem, có đúng trời
rét khiếp không?
- Sợ gì rét, nhà anh ấm rồi. Hôm qua chúng tôi đã chở từ ga Hàng hoá về
cho bà cụ Marfa nhà anh đầy một gian củi, toàn là loại bạch dương, củi khô
và được lắm cơ anh ạ.