- Còn sớm mà. Mọi người còn đang ngủ cả. Mình sẽ ra sau một bụi cây,
đâu có ai nhìn thấy mà lo. Còn cậu cứ ngủ đi, đừng nói nữa mà mất giấc
ngủ.
- Đằng nào thì mình cũng chẳng ngủ lại được. Mình cùng đi với cậu vậy!
Thế là hai người đi ra sông, ngang qua những đống đá trắng đổ nát đã kịp
nóng lên dưới ánh mặt trời vừa mọc. Ngay giữa các đường phố cũ, có nhiều
người nằm dưới đất mà ngáy khò khò, mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi nhễ nhại,
đúng chỗ có nắng rọi. Phần đông đấy là những người dân thị trấn bị mất
nhà, các ông già, phụ nữ và trẻ con. Thỉnh thoảng cũng có những chiến sĩ
Hồng quân đi lẻ, bị lạc đơn vị, đang tìm đường đuổi theo đơn vị cũ của họ.
Misa và Nika luôn luôn nhìn xuống chân, cẩn thận bước tránh những người
đang nằm ngủ để khỏi vấp phải họ.
- Cậu nói khẽ chứ, kẻo làm cả thị trấn thức giấc thì hết cả tắm giặt.
Thế là họ thì thầm tiếp tục câu chuyện hồi đêm của mình.
2.
- Con sông này tên là gì nhỉ?
- Mình chả biết. Mình không hỏi. Chắc là sông Dusa.
- Không phải Dusa. Một dòng sông gì đấy.
- Thế thì xin chịu.
- Bởi vì chính trên sông Dusa đã xảy ra tất cả chuyện đó.
- Chuyện cô Khristina ấy mà.
- Phải, nhưng chắc ở khúc khác. Phía hạ lưu kia. Người ta bảo giáo hội đã
phong thánh cho cô ấy.
- Ở đấy có một cái nhà xây bằng đá, gọi là "Chuồng Ngựa". Quả là một cái
chuồng ngựa của nông trường quốc doanh nuôi ngựa giống, và cái tên riêng
đã trở thành lịch sử. Cái chuồng ngựa ấy tường rất dày, xây từ ngày xưa.
Bọn Đức đã làm cho kiên cố thêm và biến thành một pháo đài vững chắc.
Cả vùng bị đặt trong tầm súng từ đó bắn ra, cản trở cuộc tấn công của quân
ta. Cần phải chiếm cho được cái chuồng ngựa ấy. Với lòng dũng cảm vô
song và trí thông minh tuyệt vời, Khristina đã lọt vào và đánh mìn nổ tung
chuồng ngựa. Quân Đức bắt được cô ấy và đem treo cổ.
- Tại sao lại gọi cô ấy là Khristina Orlesova, chứ không gọi là Khnstina