Một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam ở Mỹ, gần đây có làm một
bảng phân loại các truyện Nôm khuyết danh thế kỷ XVII, căn cứ theo đề
tài của truyện đã xếp ra các loại sau: truyện có xu hướng chính trị, truyện
phong tục, truyện về khát vọng của phụ nữ, truyện tình chung thủy, truyện
anh hùng, truyện có xu hướng Phật giáo, truyện tâm lý, truyện hài, truyện
dị thường, truyện lịch sử. Người ta chỉ thấy trong những truyện này các
nhân vật nho sĩ, quan lại, cung nữ, chinh phụ, nhà nông và tiều phu, tuyệt
nhiên không có mặt nhà buôn. Có lẽ tên lái buôn duy nhất có mặt trong
truyện thơ là “thằng bán tơ” trong Truyện Kiều, lại là một kẻ gây tai họa
cho dân lành.
Cuốn Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ là tập bút ký hiếm hoi
trong kho sách văn học Việt Nam nói đến sinh hoạt đô thị ở Thăng Long
cuối thế kỷ XVIII. Trong tập này, ông đề cập đến hoạt động buôn bán ở
kinh thành như là những chuyện lừa đảo và ăn cắp. Bản thân tác giả, tuy
theo cha mẹ lên kinh thành từ nhỏ, nhưng không bao giờ tự nhận mình
là người thị thành. Ông cứ luôn nhắc đến cái làng quê xa xôi nơi ông ra
đời với đầy nỗi luyến tiếc. Ông không hề tự hào được làm người dân chốn
kinh đô. Cái tâm lý coi khinh thành thị, coi rẻ nghề buôn của tầng lớp nho
sĩ, tất ảnh hưởng lớn đến đa số dân chúng.
Cần nói thêm rằng vì không có tầng lớp thương nhân lớn, có một nếp
sống riêng, một tâm lý riêng, tác động đến đời sống chung của xã hội,
nên đô thị Việt Nam xưa vẫn giữ truyền thống sinh hoạt của làng xã, với
hội hè đình đám quen thuộc với người nông dân. Nếp sống đô thị, mặc
dầu đã
hình thành ở Trung Quốc từ đời Tống, vẫn không có ảnh hưởng đến
nước ta. Cho đến cuối thế kỷ XlX, chúng ta vẫn chưa có những loại hình
sinh hoạt đặc thù của đô thị như sân khấu chuyên nghiệp, tiểu thuyết,
hội họa... Và nếu như loại truyện phiêu lưu và du ký là sản phẩm của
những nhà thám hiểm – mà trước hết là những nhà buôn – được phát triển
sớm ở những dân tộc buôn bán giỏi như người Trung Hoa, người Anh,