Vậy đâu là bài học thương trường từ sự nghiệp kinh doanh của Bạch
Thái Bưởi?
Ta có thể nhận ra, bản lĩnh của ông đã thể hiện ở chín bài học: dám đi
bằng đôi chân của mình, dám tận dụng thời cơ, dám tin người, dám tiếp thu
Tân thư, dám vận dụng tinh thần yêu nước, dám cạnh tranh đến cùng, dám
sáng tạo, dám mở rộng thị trường kinh doanh và dám đi lại từ đầu.
Những bài học này đến nay vẫn chưa lỗi thời. Trong sự nghiệp của
ông, đáng lưu ý và ghi nhận là ở chỗ, bằng tài năng, kinh nghiệm trên
thương trường Bạch Thái Bưởi đã góp phần tích cực thay đổi cái nhìn
không thiện cảm về doanh nhân trong những năm đầu thế kỷ XX. Nếu các
nhà nho cấp tiến, các nhà Tây học có công cổ vũ, hô hào, tuyên truyền
cho một tư tưởng mới thì ở Bạch Thái Bưởi cùng nhiều nhà tư sản dân tộc
lại có công biến nó thành hiện thực, thành những việc làm cụ thể.
Khi xét một nhân vật không thể tách ra ngoài không khí chính trị và
bối cảnh xã hội đương thời. Để thấy được vai trò to lớn của họ, ta hãy đọc
bài viết “Nghề buôn dưới mắt người Việt” của nhà nghiên cứu Đào Hùng:
“Nếp nghĩ coi rẻ nghề buôn, có lẽ đã tồn tại từ lâu trong tâm thức người
Việt. Ở đây có hai lý do: một là do những thành kiến nghề nghiệp của
chúng ta; hai là do chính bản thân nghề buôn gây nên, người đi buôn
không coi đó là một nghề cao quý. Giở lại bộ sưu tập truyện cổ tương
đối hoàn chỉnh Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi –
ta thấy trong số một trăm sáu chục truyện chỉ có hai truyện nói đến nhân
vật lái buôn. Đó là truyện Mụ Lường và Đồng tiền Vạn Lịch, mà cả hai
truyện đều nói đến cái xấu xa của những người đi buôn. Trong khi đó, nếu
so sánh với bộ truyện cổ Nghìn lẻ một đêm của văn học Á Rập, thì ta
thấy nhân vật lái buôn có mặt khắp nơi, mà họ là những người đáng kính,
đại diện cho đức tính: trung thực, dũng cảm, khôn ngoan, có học.