trên tay của ai như thế nào? Hơn nhau là chỗ đó. “Chớ thấy sóng cả
mà ngã tay chèo”. Ông gật gù khi nhớ đến lời dạy của ông bà.
Sau khi phân tích thiệt hơn, các cộng sự của Bạch Thái Bưởi đành
chấp nhận phương án mà ông đã đưa ra.
Nhận được tin này, các chủ tàu thuyền người Hoa choáng váng. Họ
giẫy nẩy lên như đỉa phải vôi! Không ngờ đối phương cũng già đòn. Đã
thế thì ta phải lấn lướt ngay. Quyết không để cho người Việt qua mặt, họ
lại hạ giá! Rồi tiếp tục hạ giá thấp hơn nữa.
Lao đã phóng. Lưng cọp đã leo. Không thể bỏ cuộc nửa chừng. Bỏ
cuộc nửa chừng là thua. Là không còn có cơ hội ngóc đầu lên lần nữa.
Bạch Thái Bưởi vẫn kiên quyết bám theo cuộc cạnh tranh này. Biết gặp
phải một đối thủ không phải “tay vừa”, họ lại hạ giá xuống chỉ còn 5 xu.
Nhưng cũng như lần trước, họ bẽ bàng khi hay tin Bạch Thái Bưởi lại
chấp nhận cái giá 4 xu! Quyết không thua họ đã tung ra cái giá rẻ như bèo,
không ai có thể tưởng tượng nổi chỉ còn... 3 xu! Thiếu điều trải chiếu, bỏ
tiền ra mời khách đi tàu mà thôi!
Đối đầu với cái giá này thì không thể! Nếu số lượng khách không đủ
cho mỗi chuyến thì chẳng mấy chốc Bạch Thái Bưởi sẽ sạt nghiệp như
chơi! Mà thật thế, ba chiếc tàu mỗi tháng phải thuê đến 2.000 đồng, mà
chạy mỗi chuyến chỉ được từ 15 đến 20 đồng thì nguy cơ vỡ nợ đang
chập chờn trước mắt.
Nhưng vẫn chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Dù giữ giá 4 xu, nhưng
bù lại Bạch Thái Bưởi có sáng kiến nhằm thu hút khách hàng về phía
mình. Ông đã khôn khéo đã nghĩ ra cách “khuyến mãi” là biếu cho mỗi
hành khách đi tàu một gói trà nhỏ hoặc mời uống trà ngon. Có lúc, ông còn
hào phóng đãi thêm cả bánh ngọt. Thậm chí giá cước đồ hàng, cũng hạ
nốt!
Cuộc chiến đồng cân đồng sức. Quyết đánh đối thủ ngã gục, Hoa
thương lại bày ra một trò quá quắt mà xưa nay chưa ai nghĩ đến. Chúng bỏ