Sáng nay, Bạch Thái Bưởi dậy thật sớm. Sương còn đọng giọt trắng
nõn trên tàu lá chuối. Bước ra sân, gió thổi thoáng qua, khẽ rùng mình,
ông vươn tay làm một vài động tác thể dục theo thói quen. Chú gà trống
trên chuồng cũng vừa vỗ cánh gáy te te. Mặt trời ló dạng ở hướng đông.
Ánh hồng dịu dàng phía chân trời. Thở phào một cách nhẹ nhõm và sảng
khoái, ông mỉm cười một mình.
Bài toán khó trăn trở nhiều đêm liền, ông đã tìm ra cách giải quyết.
Trước hết, suy ra từ bụng mình, ông nghĩ rằng làn gió Duy tân khuấy
động từ Nam chí Bắc đã có ảnh hưởng sâu sắc trong quốc dân. Đi đâu
đến đâu cũng nghe người dân thì thào về các vấn đề chính trị, về sự “khai
hóa” dã man của người Pháp... Thậm chí, cuộc chiến thắng của nghĩa
quân Đề Thám tại Núi Sáng vào tháng 10.1909, dù thực dân bưng bít
thông tin nhưng người dân cũng được biết và họ lén hút bàn tán, tự hào.
Không tự hào sao được khi chính thiếu tá Bonifacy cần quân với sự hỗ
trợ đắc lực của Khâm sai Lê Hoan đã bị nghĩa quân phục kích, đánh tan
tác! Sự quan tâm này, còn biểu hiện ở chỗ ngày càng có nhiều “hội kín”
yêu nước hoạt động bí mật; nhiều hội buôn của các nhà tư sản dân tộc
đang dấn thân trên thương trường.
Điều này cho thấy quốc dân ngày càng ý thức hơn về thân phận của
kiếp nô lệ. Các sĩ phu đã kêu gọi người dân phải biết nhục trước cái nhục
mất nước, phải tự cứu lấy mình. Ý thức chính trị này có được cũng từ
các cuộc diễn thuyết, hô hào rầm rộ của các nhà nho cấp tiến, của các nhà
Tây học và của các trường học thực hiện theo mô hình Đông Kinh Nghĩa
Thục. Họ đã dấy lên phong trào chấn hưng thương trường, cổ động thực
nghiệp cho giới doanh nghiệp nước nhà, khai sáng tư tưởng người dân
phải biết kinh doanh làm giàu và khuyến khích mọi người trọng nghề buôn
v.v... Để làm được như vậy, một trong những điều kiện đầu tiên là người
đồng bang phải giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau. Vậy tại sao trong cuộc cạnh
tranh với Hoa thương, ta không không kêu gọi, đánh thức tinh thần tương
thân tương trợ, ủng hộ của đồng bào mình?