Chính giải pháp tích cực này đã cứu sự nghiệp Bạch Thái Bưởi lúc
đang đứng chênh vênh bên vực thẳm.
Sau khi điểm tâm qua loa, ông cho gọi lão Thịnh và ông Chấn đến gặp
mình. Ông bảo:
- Ta là người Việt, kinh doanh trên đất Việt thì lẽ nào người Việt không
ủng hộ người Việt? Trong tình thế ngặt nghèo này, nếu ta biết tuyên
truyền, khuyên nhủ, kêu gọi đồng bào thì may ra còn có cơ may sống
còn. Một khi có lực lượng đoàn thể ủng hộ sau lưng, thì cuộc tranh
thương của ta sẽ không đơn độc, bị đẩy vào thế bí!
Ông Chấn điềm tĩnh:
- Đành rằng là vậy. Nhưng ta kêu gọi quốc dân như thế nào? Không
khéo nhà nước ghép vào tội hô hào, kích động quần chúng?
Sự lo ngại như thế là đúng. Bởi sau vụ biểu tình tại Quảng Nam, sau
vụ Hà Thành đầu độc thì nhà cầm quyền đàn áp dữ dội mọi biểu hiện
nào mà họ cho rằng có nguy hại đến nền an ninh. Ngay cả việc hớt tóc
ngắn, mặc Âu phục cũng bị ghép vào tội phiến loạn, phạt giam 18 tháng
tù nữa là! Sau khi trao đổi với nhau, mọi người rất hoan nghênh, tán
thành ý kiến của Bạch Thái Bưởi. Theo ông cách tuyên truyền, kêu gọi
đồng bào hay nhất vẫn là dùng thơ ca, hò vè, hát xẩm... vì nó dễ nhớ, dễ
thuộc và nhanh chóng đi vào lòng người. Cứ lấy chuyện tình yêu nam nữ,
lồng vào đó nội dung ái quốc, kêu gọi tinh thần tương thân tương trợ là
được, chẳng ai có thể bắt bẻ. Nhưng ai là người có khả năng sáng tác
cổ động theo đúng tinh thần trên?
Không hẹn mà gặp. Cả ba người cùng nghĩ đến chàng trai đang lều
chõng thi Hương ở Nam Định. Đó là nho sinh Nguyễn Khắc Hiếu vừa
tròn 22 xuân xanh – thua Bạch Thái Bưởi hơn một con giáp. Mọi việc trở
nên thuận lợi vì ông là bạn thân thiết với nhà thơ trào phúng Nguyễn
Thiện Kế. Mà ông này lại là anh rể của chàng nho sinh. Nhờ vậy, khi