Bạch Thái Bưởi đánh tiếng nhờ cậy thì chàng đồng ý ngay. Chỉ trong
một đêm gặp nhau hàn huyên, chưa ăn giập miếng trầu, chàng đã phóng
bút làm xong một loạt bài văn vần đúng ý định trên.
Cũng xin nói thêm, chính từ mối quan hệ này mà về sau, Nguyễn
Khắc Hiếu trở thành chỗ thân thuộc với Bạch Thái Bưởi.
Sau khi trượt thi Hương ôm nỗi buồn quay về Hà Nội, Nguyễn Khắc
Hiếu gặp hình ảnh tưởng như chỉ có trong những trang tiểu thuyết diễm lệ
là người yêu lên xe song mã về nhà chồng, trong tiếng pháo nổ như muốn
xé nát con tim, chàng thì đau đớn như điên dại! Quay về Nam Định, rồi
chàng lên sống ở chùa Hương như muốn xa lánh cõi trần. Thấy người
em điên loạn vì thất tình, Nguyễn Thiện Kế mới dỗ ngon dỗ ngọt rồi đưa
chàng về sống trong nhà Bạch Thái Bưởi. Ở đây, chàng được đọc Tân thư,
được anh rể và ông trao đổi nhiều vấn đề, nhờ vậy chàng đã có sự thay đổi
về tư tưởng và nhận thức. Có thể nói không ngoa, bản lĩnh của chàng sau
này, rất nổi tiếng với bút danh Tản Đà, là ít nhiều được hình thành từ
những ngày tháng này...
Từ đó, hành khách đi tàu của Bạch Thái Bưởi thường gặp những
người hát xẩm cất tiếng ca:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Cô kia má đỏ hồng hồng
Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan
Đường đi hiểm trở gian nan
Tàu “Bạch Thái Bưởi” dọn đàng rước dâu
Dù cho nước lũ sông sâu
Ai về Nam Định rủ nhau cùng về...