Phải thương, phải xót quây quần lấy nhau
Phúc cùng hưởng, họa cùng đau Một gan, một dạ ghi sâu chữ đồng
May ra trời cũng chìu lòng
Để đời để giống Lạc Hồng này cho
Gió thu hiu hắt sông hồ
Sử xanh còn đó, địa đồ còn đây
Mấy câu mượn bút giãi bày
Xin người trong non nước này cùng nghe...
Không dừng lại đó, Bạch Thái Bưởi còn cho người tới bến tàu, xuống
tận các tàu để diễn thuyết cổ vũ cho tinh thần đồng bang, “tinh thần con
Lạc cháu Hồng”, kêu gọi người mình nên giúp đỡ lẫn nhau thì mới có
thể cạnh tranh được với người Hoa. Ta kinh doanh là vì lợi ích của dân
ta, chứ không chỉ thuần vì đồng tiền kiếm được. Với người Hoa thì họ đâu
có nghĩ thế. Lần nọ chiếc tàu Long Môn của người Hoa đã phạm một
sai lầm “chết người”. Trên chuyến tàu Hà Nội - Nam Định hôm ấy có cụ
già đau bụng, mệt lả nằm sóng xoài dưới sàn. Không một lời hỏi han, chủ
tàu tưởng cụ bị bệnh dịch nên lúc đến bến Tân Đệ đã sai người khênh cụ
quẳng lên bờ! Việc làm bất nhẫn này đã bị hành khách phản ứng kịch
liệt. Nhân chuyện này, nhà văn Nguyễn Công Hoan có viết truyện ngắn
Chuyến tàu Nam phê phán thái độ đó. Với Bạch Thái Bưởi, đây là cơ hội
tốt để ông đẩy mạnh tuyên truyền, tẩy chay tàu của Hoa.
Những lời khuyến khích, phân tích thiệt hơn, khơi gợi tinh thần yêu
nước khiến nhiều người cảm động, đồng tình. Họ rủ nhau đi tàu của ông
ngày một nhiều hơn. Thắng lợi của ông là đã đánh thức được lòng tự tình
dân tộc, nghĩa đồng bào. Vì thế, người Hoa dù có xuống giá thấp hơn,
bày trò “khuyến mãi” nhiều hơn thì cũng không thể cạnh tranh nổi với
ông.