Hơn ai hết, Bạch Thái Bưởi biết rằng, một khi người dân đã có ý
thức về tinh thần tương thân tương trợ, “bầu ơi thương lấy bí cùng” thì họ
nào có tính toán gì dăm xu ba hào! Nhưng với giá vé hạ thấp như vậy về
lâu dài cũng không thể cầm cự nổi, ông bèn nghĩ ra cách mở cuộc lạc
quyên. Trên ba chiếc tàu của ông đều đặt một cái ống, mời hành khách
tốt bụng, tùy tâm, ai muốn giúp ít nhiều thì bỏ tiền vào trong ống đỡ cho
chủ tàu được phần nào hay phần ấy... Cuộc lạc quyên này xem ra cũng
hữu hiệu. Có lần khi bổ ống ra, Bạch Thái Bưởi đã rưng rưng nước mắt.
Ai nấy đều ngạc nhiên, ông bảo:
- Nhìn những tờ giấy bạc nhầu nát như thế này, ta biết nó đẫm bao
nhiêu mồ hôi, bao nhiêu cực nhọc của cuộc mưu sinh quần quật... Kiếm
được đồng tiền lắm lúc phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt nhưng đồng bào vẫn
chắt chiu dành dụm, ủng hộ cho ta. Ơn này nặng lắm ai ơi!
Nói xong, hàm răng ông nghiến chặt, không cho phép mình bỏ cuộc
khi sự cạnh tranh ngày một quyết liệt. Những đồng tiền trong ống lạc
quyên ngày một nhiều, lắm lúc còn có cả giấy năm đồng, hai mươi đồng...
Doanh thu của ông dần dần tăng lên.
Với tinh thần người Nam ủng hộ việc làm của người Nam, trong mắt
quốc dân thuở ấy, ông là một trong những người được tin cậy, xứng đáng
“chọn mặt gửi vàng”.
Có lẽ Bạch Thái Bưởi là nhà doanh nghiệp Việt Nam trước nhất ở
đầu thế kỷ XX, đã có ý thức vận dụng tinh thần yêu nước, khai thác tinh
thần tự tôn dân tộc như một vũ khí sắc bén để chiến thắng vẻ vang đối thủ
cạnh tranh của mình. Nói cách khác, trong lúc cuộc tranh thương khốc liệt
đã đẩy ông vào bóng đêm mù mịt tưởng chừng không lối thoát, thì ông đã
biết tìm lấy ánh sáng từ lực lượng quần chúng có ý thức dân tộc. Ý thức
ấy có được là do ông chủ động tìm mọi cách để khơi dậy và kêu gọi lực
lượng ấy ủng hộ việc làm của mình.