Ông đang nghĩ đến việc xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu! Ước mơ này
vượt ngoài tầm tay của Bạch Thái Bưởi. Ông không đủ tiền và thời gian đi
ra nước ngoài mua sắm được toàn bộ máy móc để hình thành một nhà
máy theo đúng nghĩa của nó. Khi công ty Marty - D’Abbadie phá sản, dù
đã mua đứt ba chiếc tàu đang thuê và mua thêm mấy chiếc khác, ông còn
muốn mua luôn cả nhà máy nữa. Thế nhưng, việc thương lượng gặp phải
nhiều khó khăn, vì cũng có nhiều công ty của người Pháp, người Hoa lăm
lăm nhảy vào phá bĩnh. Họ không mua mà lại thuê. Thuê không phải nhằm
phục vụ cho công việc sửa chữa tàu, chỉ nhằm tạo áp lực, gây khó khăn,
ngăn cản không cho ông phát triển. Một công ty của người Pháp cố thuê
và đã thuê được nhà máy đó, nhưng lại để không! Trong khi mình cần để
sử dụng, nó lại để cho cỏ mọc! Oái oăm thật.
Với Bạch Thái Bưởi đây là sự trêu ngươi, là một đòn cạnh tranh kiểu
mới. Lẽ nào ta bó tay?
Tối nay, sau khi nghe đốc công Nguyễn Văn Phúc báo cáo lại tình
hình của nhà máy này, ông càng nôn nóng. Hầu hết máy móc ở đó còn tốt,
nếu thuộc về tay mình thì khác nào thuyền ta ra khơi gặp gió! Ngẫm nghĩ
một lát, ông bảo tài xế lấy xe hơi đưa mình và lão Thịnh đến nhà lão
Marty – giám đốc công ty Marty - D’Abbadie.
Sau vài lời chào hỏi, ông đi thẳng vào vấn đề:
- Thưa ngài, trước đây tôi đã nhiều lần hầu chuyện muốn mua lại nhà
máy của ngài, nhưng ngài cứ chần chừ mãi rồi cho người khác thuê. Tôi
thật sự không hiểu nguyên do như thế nào? Nếu không bị đánh giá là kẻ
tò mò, tôi mong mỏi xin ngài nói đôi lời để tôi hiểu thêm, khỏi ngày đêm
ấm ức.
Lão Marty vẫn giữ thái độ im lặng. Thấy vậy lão Thịnh cũng lựa lời
nói thêm:
- Khi các ngài mở công ty, xây dựng nhà máy thì mong muốn công việc
ăn nên làm ra, nay chẳng may thất bại thì cũng buồn thật. Chuyện này