Người bạn đưa ta đến nhà máy công ty Bạch Thái; trong công ty ấy
vẫn có nhiều người Trung Hoa ta làm công. Lúc vào đến nơi thì lấy một
người trong bọn Hoa công làm thông ngôn, chủ khách mừng mặt nhau rồi,
ta mới bày tỏ lai ý, chủ nhân lãnh ý rồi cho người nhà đưa ta đi xem công
xưởng, lúc đến nơi thì thấy có một người giám đốc đứng sẵn đón ta ở
cửa, chắc hẳn chủ đã dùng điện thoại mà thông báo trước.
Kẻ xưng giám đốc xưởng ấy cũng lại là người An Nam tên là Nguyễn
Văn Phúc, không hề đi du học nước ngoài, mà cũng không có bằng cấp tốt
nghiệp ở trường công nghệ nào cả, mà trong tay tinh nghề thợ, làm giám
đốc được một xưởng máy.
Nguyễn quân đưa ta đi xem khắp trong xưởng, khi bấy giờ đúng 9 giờ
rưỡi, nhân công đương làm lụng, thợ thuyền ước được 500 người, máy
móc ước được ba bốn chục bộ, máy bào, máy tiện, lò nấu, không thiếu
thức gì, trong xưởng xếp đặt thật là chỉnh đốn.
Ta đi xem khắp các bộ phận ở trong xưởng rồi thì Nguyễn quân lại đưa
ta ra ở đàng trước xưởng xem các tàu và xem các cừ đóng tàu với cái
đà chữa tàu.
Năm nay trong xưởng ấy mới đóng được một chiếc tàu toàn bằng sắt
để chạy bể, đặt tên Bình Chuẩn, đã làm lễ hạ thủy rồi, mà nội bộ hãy còn
chế tạo trong xưởng và đương trục hai chiếc tàu lên trên đà để chữa lại:
Chiếc Hùng An là tàu bể mà mua ở Hồng Kông đem về dùng, chiếc
Đinh Tiên Hoàng là tàu của công ty, để chạy trong sông. Công nghiệp như
thế kể cũng đã to tát lắm mà độc một tay người An Nam kinh lý nổi, và
lại chỉ dùng người bản xứ đứng giám đốc được việc chế tạo, thời đủ biết
cái trình độ của người An Nam ngày nay đã lên cao mấy bực rồi.
Ta còn nghe nói công ty Bạch Thái mới mua thêm một chiếc tàu
3.000 tấn ở bên Mỹ nữa để về chạy sang Âu, Mỹ, Nhật và các nước
khác, xem bấy nhiêu cũng đủ biết cái thương nghiệp của họ cũng đã có
cái cảnh tượng tiến hóa hẳn rồi”.