Khi khảo sát tờ báo này ta thấy nó không có sự bảo trợ về tài chính
của chính quyền; những nhân vật có khuynh hướng tích cực như Hoàng
Tích Chu, Đỗ Thận... đã nhận trách nhiệm chủ bút, trợ bút để điều hành.
Bạch Thái Bưởi không ngần ngại nói rõ tôn chỉ, mục đích tờ báo này:
“Một là giúp đồng bào ta tự khai hóa, dạy bảo lẫn nhau... mở mang con
đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu
cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến,
những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm...”.
Kỳ lạ thay cho bản lĩnh của Bạch Thái Bưởi. Đời người chỉ làm được
những việc như trên, kể ra đã là một sự phi thường. Nhưng không hài
lòng với những gì đã có, ông còn thể hiện ý chí tiến thủ thật khủng
khiếp. Với tầm nhìn của một người dày dạn kinh nghiệm trên thương
trường, ông đã ý thức mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh. Không chỉ làm
báo, lập nhà in mà ông còn tham gia khai thác mỏ than. Trụ sở Công ty
than của Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng nằm trên đại lộ mang tên đô đốc
Amiral de Beaumont (nay là phố Đinh Tiên Hoàng).
Từ năm 1921, ông đã đầu tư khai thác hai mỏ Ăngtoan và Cađíp, với
một tuyến đường sắt chở than dài 3km, sản lượng hàng năm lên đến 3.000
tấn. Năm 1925, ông còn mua thêm hai mỏ Bí Chợ và Yên Thọ, tổng cộng
1.924 ha và làm thêm tuyến đường sắt dài 5,5km. Ngoài ra, ông còn
chung vốn với nhà tư sản Lê Thị Toán khai thác 450 ha ở Quảng Yên,
hàng năm sản xuất được 9.500 tấn... Cùng với những công việc trên,
công việc kinh doanh tàu thủy của ông cũng đang ăn nên làm ra.
Một dịp may đến với Bạch Thái Bưởi là lúc trúng thầu chiếc tàu
mang tên toàn quyền Albert Sarraut, do xưởng Ba Son (Sài Gòn) đóng.
Tàu này dài 85 thước, rộng 12 thước, sức chở 3.300 tấn, trọng lượng
6.000 tấn, vận tốc 12 hải lý/giờ, công sức 12O mã lực, có bốn kho chở
hàng, năm trục bốc dỡ hàng.
Tại sao chiếc tàu hiện đại thời đó được mang tên này?