nước. Đây chính là nét mới thể hiện bản lĩnh chính trị, và sự hiểu biết
của tư sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh. Họ cần có tiếng nói chính
thức tại nghị trường, tại hội đồng thuộc địa, viện dân biểu cũng như
trong hội đồng thành phố; cần có cơ quan ngôn luận hỗ trợ, bảo vệ quyền
lợi cho công cuộc kinh doanh của chính mình và giới của mình. Bạch
Thái Bưởi đã bước chân vào làng báo trong thời điểm này.
Tạo một bước chuẩn bị cho công việc mới mẻ này, trước hết ông mở
nhà in. Ban đầu ông bỏ ra số tiền khổng lồ là 30.000 đồng để xây dựng nhà
in Đông Kinh ấn quán (Imprimerie Tonkinoise). Sau, nhận thấy sự đầu tư
ấy vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với nhà in tiếng tăm khác như Viễn Đông
(IDEO), Nordemann... nên ông mạnh dạn xuất thêm 20.000 đồng nữa
trang bị thêm máy móc. Với cơ ngơi đồ sộ này, ông giao người em rể là
Lê Văn Phúc quản lý. Đông Kinh ấn quán trở thành một trong những nhà
in lớn và ra đời sớm nhất tại Hà Nội. Sự ra đời của một loạt nhà in lúc bấy
giờ đã hình thành một lớp công nhân mới mà trong dân gian có câu đùa:
Trông xa cứ tưởng là ông phán
Đến gần thì ra toán thợ in!
Khi có nhà in trong tay, ông bắt đầu bước sang lĩnh vực thông tấn báo
chí. Với mong muốn góp phần trong việc nâng cao dân trí, cổ động cho
phong trào thực nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho nền công thương Việt
Nam, ông xin phép chính phủ ra tờ Khai hóa nhật báo. Tờ báo này số 1
phát hành vào ngày 15.7.1921, tòa soạn và trị sự ở 82 phố Hàng Gai (Hà
Nội), phát hành được 1.751 số, đình bản vào ngày 31.8.1927. Cùng với
Thực nghiệp dân báo, Hà Thành ngọ báo, Đông Pháp, Nông-công-thương
báo thì lúc đó Khai hóa nhật báo của ông là một trong năm tờ báo phát
hành hàng ngày.