thế, tôi vẫn không thể dứt bỏ được ý tưởng thực hiện bài giảng. Tôi bị kích
thích bởi ý nghĩ mình sẽ làm một bài giảng mà nó thực sự là bài giảng cuối
cùng. Tôi sẽ nói những gì? Những điều đó sẽ được đón nhận ra sao? Liệu
tôi có thể thực hiện nó một cách trọn vẹn không?
“Họ sẽ cho anh rút lui.” - tôi nói với Jai, vợ tôi. – “Nhưng thật tình là
anh muốn thực hiện nó.”
Jai (phát âm là “Jay”) luôn là cổ động viên của tôi. Khi tôi yêu thích
điều gì, thì cô cũng yêu thích điều đó. Tuy nhiên cô đã hoài nghi toàn bộ ý
tưởng về bài giảng cuối cùng này. Chúng tôi vừa chuyển từ Pittsburgh
[2]
vùng Ðông Nam Virginia để sau khi tôi mất, Jai và các con được ở gần bên
ngoại. Jai thấy tôi nên dành khoảng thời gian rất quý báu của mình cho các
con, hoặc để thu xếp chỗ ở mới, thay vì phung phí cho việc soạn bài giảng
và bay tới Pittsburgh để thuyết trình.
“Cứ cho là em ích kỷ.” - Jai bảo tôi. - “Nhưng em muốn có anh. Bất cứ
lúc nào anh dành cho việc chuẩn bị bài giảng đều là khoảng thời gian đánh
mất, vì những lúc đó anh sẽ tách khỏi em và các con.”
Tôi hiểu suy nghĩ của Jai. Kể từ lúc bị bệnh, tôi đã tự hứa là phải chiều
ý Jai và làm theo những mong muốn của cô. Tôi thấy trách nhiệm của mình
là làm tất cả những gì có thể để giảm bớt những gánh nặng mà bệnh tật của
tôi đã mang đến cho cuộc đời cô. Đó là lý do tôi đã dành nhiều thời gian sắp
xếp cho tương lai thiếu vắng tôi của gia đình. Vậy mà tôi vẫn không thoát
được sự thôi thúc thuyết trình bài giảng cuối cùng.
Trong sự nghiệp khoa học của mình, tôi đã có một số buổi thuyết trình
khá thú vị. Nhưng được coi là người thuyết trình giỏi nhất của khoa Tin học
cũng giống như là người cao nhất trong Bảy Chú Lùn. Lúc đó, tôi có cảm
giác mình còn có nhiều khả năng hơn, nếu quyết tâm, tôi có thể đề xuất cho
mọi người một điều gì đó thật sự đặc biệt. “Sự thông thái” là một từ nặng
ký, nhưng có thể đó chính là nó.