Thật đáng buồn là bây giờ nhiều đứa trẻ quá được nuông chiều. Tôi nhớ
lại cái cảm giác của mình suốt giờ nghỉ giải lao hôm ấy. Phải, tôi khát.
Nhưng hơn thế, tôi cảm thấy hổ thẹn. Tất cả chúng tôi đã làm cho huấn
luyện viên Graham thất vọng, và ông đã thể hiện sự thất vọng đó theo một
cách khiến chúng tôi không bao giờ quên được. Ông đã đúng. Chúng tôi đã
tỏ ra “nhiệt tình” với xô nước hơn là với trận đấu bóng. Và việc bị ông sỉ
nhục đã có ý nghĩa đối với chúng tôi. Khi trở lại sân trong hiệp hai, chúng
tôi đã thi đấu hết sức cố gắng.
Tuy không gặp lại huấn luyện viên Graham kể từ khi tôi còn là đứa trẻ
mười mấy tuổi, nhưng hình ảnh của ông luôn hiện lên trong trí nhớ của tôi,
nhắc nhở tôi phải làm việc cố gắng hơn mỗi khi tôi định đầu hàng, nhắc nhở
tôi phải phấn đấu để hoàn thiện mình hơn. Ông đã dạy tôi một bài học quý
giá cho suốt cả cuộc đời.
---
Khi cho con cái tham gia các môn thể thao - bơi lội, bóng đá, bóng bầu
dục, v.v... – phần đông chúng ta không vì muốn chúng học được những thứ
phức tạp của môn thể thao đó.
Ðiều chúng ta thực sự muốn chúng học được còn quan trọng hơn nhiều:
đó là tinh thần đồng đội, tính kiên trì, tinh thần thể thao, giá trị của sự nỗ
lực và khả năng đối phó với nghịch cảnh. Cái gián tiếp học được như vậy,
chúng ta gọi là “giả đầu”.
Có hai loại giả đầu. Loại thứ nhất đơn giản dễ thấy. Trên sân bóng, cầu
thủ nghiêng đầu về một hướng, làm cho bạn tưởng anh ta sẽ chạy về hướng
ấy. Song, sau đó anh ta chạy theo hướng ngược lại. Ðiều đó giống như một
nhà ảo thuật dùng kỹ thuật đánh lạc hướng. Huấn luyện viên Graham
thường nhắc chúng tôi phải quan sát thắt lưng của đối phương. "Bụng anh
ta chuyển tới hướng nào, thì anh ta cũng sẽ chuyển tới hướng đó." - ông nói.
Loại giả đầu thứ hai quan trọng hơn nhiều - đó là dạy bạn điều mà bạn
không hình dung là mình đang học, cho tới khi bạn dần học được điều đó.