Shatner lưu lại ba tiếng, và đặt vô số câu hỏi. Một đồng nghiệp sau này
có nói với tôi: “Ông ta hỏi liên tục và hình như vẫn chưa thật thỏa mãn.”
Còn tôi thì vô cũng ấn tượng. Kirk, ý tôi là Shatner, là một thí dụ điển
hình về một người biết rất rõ điều mình không biết, sẵn sàng thú nhận điều
đó, và không muốn đi, cho tới khi hiểu ra vấn đề. Với tôi, đó là cách hành
xử thật anh hùng. Tôi mong, mọi sinh viên cao học đều có thái độ như vậy.
Trong quá trình chữa trị ung thư, khi được thông báo là chỉ có 4% bệnh
nhân ung thư tụy có thể sống được năm năm, một dòng từ bộ phim Star
Trek - Sự giận dữ của Khan - ngay lập tức xuất hiện trong đầu tôi. Trong
phim, các học viên của đội tàu gặp một kịch bản được mô phỏng để tập,
theo đó, bất kể học viên làm gì, toàn đội tàu sẽ bị giết. Trong phim có giải
thích, khi Kirk còn là học viên, ông đã lập trình lại sự mô phỏng bởi “ông
không tin vào kịch bản không-ai-thắng.”
Tới nay, một số đồng nghiệp tinh tường đã tỏ ra coi thường sự mê muội
của tôi với Star Trek. Nhưng phải nói, ngay từ lúc đầu, nó đã rất hữu ích đối
với tôi.
Sau khi biết tin về bệnh tình của tôi, Shatner đã gửi cho tôi một tấm ảnh
chụp ông trong vai Kirk. Trên tấm ảnh ông ghi: “Tôi không tin vào kịch bản
không-ai-thắng.”