12. Công viên mở cửa tới 8 giờ tối
Cuộc phiêu lưu y học của tôi bắt đầu từ mùa hè năm 2006, khi tôi thấy
đau nhẹ ở vùng bụng trên. Sau đó, có triệu chứng vàng da, và bác sĩ nghi tôi
bị bệnh viêm gan. Nhưng rồi mọi sự lại chứng tỏ đó chỉ là một nghi ngờ rất
lạc quan. Ảnh chụp cắt lớp cho thấy tôi bị ung thư tụy, và chỉ cần mười giây
tra cứu trên Google, tôi đã biết đây là một tin tồi tệ tới mức độ nào. Ung thư
tụy có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư; một nửa số người mắc
bệnh sẽ chết trong vòng sáu tháng, và 96% sẽ chết trong vòng năm năm.
Tôi tiếp cận việc chữa trị giống như đã tiếp cận nhiều thứ khác, với tư
cách một nhà khoa học. Tôi đã đặt rất nhiều câu hỏi để được hiểu biết nhiều
hơn, và thấy như mình đang đưa ra các giả thuyết và luận giải cùng bác sĩ.
Tôi ghi âm các buổi trao đổi với bác sĩ để có thể nghe lại những giải thích
của họ một cách kỹ càng hơn ở nhà. Tôi tìm những công trình ít người biết
đến trong các tạp chí và mang theo tới các buổi hẹn. Các bác sĩ thường
thông cảm, và đa phần đều nghĩ tôi là một bệnh nhân thú vị bởi đã quan tâm
tới mọi thứ. (Thậm chí, họ còn không trách cứ khi tôi dẫn theo người biện
hộ - bạn và là đồng nghiệp của tôi, Jessica Hodgins - tới các buổi hẹn để hỗ
trợ tinh thần cho tôi và, với kỹ năng nghiên cứu tuyệt vời của cô, giúp tra
cứu và xem xét các thông tin y học.)
Tôi nói với các bác sĩ là tôi sẵn sàng chấp nhận mọi biện pháp giải phẫu
cũng như uống bất cứ thứ gì trong tủ thuốc của họ, bởi tôi có một mục tiêu:
Tôi muốn sống lâu nhất có thể cho Jai và các con. Trong buổi hẹn đầu tiên
của tôi với bác sĩ phẫu thuật Herb Zeh ở Pittsburgh, tôi nói: “Xin nói rõ.
Mục tiêu của tôi là sống và ở trong số bệnh nhân của ông mười năm.”
Tôi là một trong số rất ít bệnh nhân được làm “giải phẫu Whipple”, gọi
theo tên của bác sĩ đã phát minh ra quy trình phức tạp này vào những năm
1930. Cho tới những năm 1970, 25% số bệnh nhân đã tử vong khi qua giải
phẫu này. Ðến năm 2000, nguy cơ tử vong giảm xuống còn có 5%, nếu