Lẽ dĩ nhiên Malthus sẽ trả lời là giải pháp này chỉ làm trì hoãn cơn đại
họa. Đất màu mỡ có giới hạn, chẳng sớm thì muộn các tiến bộ về kĩ thuật
canh tác cũng mất hiệu lực vì số sanh nhiều hơn số tử. Trong khi đó y tế, vệ
sinh và các công cuộc cứu trợ làm luật đào thải trở nên vô hiệu, khiến cho
kẻ yếu sống sót để sinh thêm ra kẻ yếu khác. Để trả lời lập luận này, người
ta hi vọng rằng các tiến triển trong lĩnh vực kĩ nghệ, đô thị hóa, giáo dục,
và mức sinh hoạt tại các nước hiện nay đang là mối đe dọa cho thế giới vì
quá đông dân cư, có lẽ sẽ đưa tới hậu quả làm giảm sinh suất như đã xảy ra
tại Bắc Mĩ và Âu Châu. Cho tới khi đạt được mức bình quân giữa sản xuất
và sinh sản, thì vì lí do nhân đạo, ta nên khuyến cáo việc phổ biến các kiến
thức và phương pháp ngừa thai. Theo lẽ thường, sự sinh con đẻ cái phải là
đặc quyền của những người khỏe mạnh chứ không phải là phó sản của sự
kích thích tính dục.
Có bằng chứng nào cho thấy kiểm soát sinh đẻ sẽ làm cho nòi giống suy
nhược không? Chắc là các người thông minh đã hạn chế sinh đẻ nhiều hơn
người thường và cơ hồ trong mỗi thế hệ, sức sinh sản quá mức của những
người kém hiểu biết đã làm cho nỗ lực của các nhà giáo dục hóa ra công dã
tràng. Nhưng cái chúng ta gọi là óc thông minh phần lớn do kết quả của
giáo dục, cơ hội và kinh nghiệm mỗi cá nhân, và không có bằng chứng nào
cho thấy trí tuệ đã luyện được đó sẽ di truyền cho con cái. Ngay cả con các
tiến sĩ cũng phải được giáo dục, phải trải qua những lỗi lầm và những cơn
khủng hoảng về giáo điều, về niềm tin của tuổi trưởng thành. Chúng ta
không thể nói là có bao nhiêu khả năng hoặc thiên tài tiềm ẩn trong nhiễm
sắc thể của những người nghèo sống chật vật và thiếu thốn. Về sinh lí, sức
mạnh về thể xác lúc sơ sinh có thể quí hơn dòng dõi trí thức. Nietzsche cho
rằng dòng giống tốt nhất tại Đức ở trong huyết quản của nông dân. Các triết
gia không phải là vật liệu tốt nhất để giữ cho nòi giống sinh sôi nảy nở.
Hạn chế sinh đẻ đã dự một phần trong lịch sử của Hi Lạp và La Mã. Thật
là một chuyện buồn cười khi thấy César (năm 59 trước TL) thưởng cho
người dân La Mã nào đông con và cấm những đàn bà hiếm hoi đi kiệu hoặc
đeo đồ trang sức. Khoảng bốn chục năm sau, Auguste lại áp dụng chiến