trường hoặc trong khám đường. Trong bộ sử mặc dầu vắn tắt của chúng tôi,
độc giả đã thấy biết bao lần loài người cưu mang lẫn nhau:
Farinelli nuôi con của Domenico Scarlatti, nhiều người trợ cấp cho
chàng thanh niên Haydn, bá tước Litta trả tiền học cho Jean – Chrétien
Bach ở Pologne, Joseph Black luôn luôn ứng trước tiền cho James Watt,
Puchberg cho Mozart mượn tiền hoài mà không ngán. Ai có can đảm viết
một bộ sử về lòng nhân từ của loài người đây?
Vậy không có gì bảo rằng sự phóng túng về luân lí ở thời đại chúng ta
báo hiệu một thời suy đồi; có thể nó là giao thời – đau đớn hay thú vị, tùy
theo quan niệm mỗi người – từ một nền luân lí đã mất cơ sở nông nghiệp,
qua một nền luân lí khác mà văn minh kĩ nghệ của chúng ta sau này sẽ phải
tạo nên, thành một trật tự mới, bình thường của xã hội. Trong khi chờ đợi
thì lịch sử xác nhận rằng các nền văn minh tan rã rất chậm. Nền luân lí của
Hi Lạp bắt đầu lung lay vì bọn ngụy biện, vậy mà hai trăm rưởi năm sau,
văn minh Hi Lạp vẫn tiếp tục sản xuất các tác phẩm văn chương, nghệ thuật
bất hủ; luân lí La Mã cũng bắt đầu suy vi sau khi Ý bị lây cái sa đọa của
dân tộc Hi Lạp bại trận (-146), nhưng La Mã vẫn có những chính trị gia đại
tài, những triết gia, thi sĩ, nghệ sĩ cho tới khi Marc Aurèle chết (-180). Xét
về phương diện chính trị thì La Mã suy nhất khi César được bầu lên chức
Chấp chính, (-60). Vậy mà mãi đến năm 465, nó mới bị các Rợ diệt. Ước gì
sự suy bại của chúng
cũng có thể kéo dài như sự suy bại của đế quốc La
Mã!
Có thể rằng nền văn minh của chúng ta sẽ có kỉ luật hơn nhờ sự huấn
luyện quân sự cần cho những chiến tranh sau này. Xã hội càng yên ổn thì cá
nhân càng được tự do. Khi sự cô lập về địa thế không còn che chở cho Hoa
Kì và Anh nữa thì chủ nghĩa cá nhân ở hai nước đó cũng sẽ bớt mạnh. Có
thể rằng vì cái hại túng dục quá độ mà người ta sẽ thôi không phóng túng
nữa; có thể rằng bọn con cháu phóng đãng của chúng ta sẽ đổi mốt mà hóa
ra thích sự trật tự và tính e lệ, và cho quần áo có phần lại kích thích hơn là
da thịt hở hang. Hiện nay thì sự tự do về luân lí của chúng ta kể ra cũng tốt
về vài phương diện: cởi bỏ được nỗi khiếp sợ do thần học gây nên, được