CHƯƠNG VII: TÔN GIÁO VÀ LỊCH SỬ
Dù có óc hoài nghi đi nữa thì sử gia cũng phải tập kính ngưỡng tôn giáo,
vì dưới gầm trời nào, ở thời đại nào, sử gia cũng thấy nó làm tròn nhiệm vụ
của nó, và bề ngoài nó có vẻ như cần thiết cho nhân loại. Nó đem lại cho
những người khốn khổ, số phận hẩm hiu và người già một niềm an ủi siêu
nhiên mà hằng triệu người thích hơn bất kì sự cứu trợ tự nhiên vào. Nó giúp
đỡ cha mẹ và các nhà giáo dục dạy dỗ thanh niên vào khuôn vào phép. Nó
làm cho những cuộc đời hèn mọn nhất có một ý nghĩa, một phẩm cách, nó
làm cho những giao ước của loài người có tính cách thiêng liêng như giao
ước với Thượng Đế, nhờ vậy mà xã hội được ổn định. Napoléon bảo chính
tôn giáo đã ngăn kẻ nghèo giết kẻ giàu, vì do sự bất bình đẳng giữa loài
người mà đa số chúng ta phải nghèo túng, thất bại, và chỉ có mỗi một cách
để khỏi tuyệt vọng là nuôi một niềm hi vọng siêu nhiên; mất niềm hi vọng
này thì sự tranh đấu giữa các giai cấp sẽ thành chiến tranh. Thiên đường và
không tưởng
như hai cái gầu trong một cái giếng: cứ cái này lên thì thì
cái kia xuống, khi tôn giáo mất đất thì cộng sản lấn đất.
Mới xét thì ta thấy cơ hồ tôn giáo không có chút liên quan gì với luân lí.
Có vẻ như (chúng tôi nói vậy vì đây chỉ là giả thuyết, nếu chúng tôi không
muốn dẫn lời của Pétrone, mà chính Pétrone lại dẫn lời của Lucrèce)
vẻ như “sự sợ hãi đã tạo nên các thần linh”: sợ những sức mạnh ẩn náu
trong lòng đất, dòng sông, dưới biển, trên cây, trong ngọn gió và trên trời.
Vậy tôn giáo là để thờ phụng các sức mạnh đó, cúng tế, cầu nguyện, đọc
phù chú cho chúng đừng làm hại mình. Khi các tu sĩ dùng những kinh hãi
cùng lễ nghi đó để phù trợ luân lí và luật pháp thì lúc đó tôn giáo mới thành
một tổ chức giúp đỡ đắc lực cho quốc gia nhưng cũng kình địch với quốc
gia. Nó tuyên bố với các dân tộc rằng luân lí và luật pháp trong xứ đều do
các thần linh khải thị cho. Theo tôn giáo thì thần Thot đã đọc cho Ménès
chép những luật của Ai Cập, thần Shamash đã gợi cho Hammourabi thảo
luật của Babylone, Yahvé (Thượng đế của Do Thái) đã đọc cho Moise
Mười giới luật (Thập giới) và sáu trăm mười ba qui tắc để dân tộc Israel
theo, và Nữ thần Egérie đã truyền cho Numa Pompilius luật của La Mã.