lí tưởng thành lập một Siêu Quốc gia tinh thần của Grégoire đệ nhất (?) đã
thực hiện được.
Tinh thần quốc gia, tinh thần hoài nghi và sự nhu nhược của con người
làm cho cái mộng vĩ đại đó sụp đổ. Giáo hội gồm những phàm nhân và
nhiều kẻ đầy thiên kiến vụ lợi và bạo ngược. Nước Pháp mạnh lên, giàu
lên, dùng Giáo hội làm một lợi khí chính trị; các vua sau cùng đủ mạnh để
buộc một Giáo hoàng phải giải tán Giòng Tên trước đã tận tâm ủng hộ Giáo
hoàng. Giáo hội lại tự hạ tới mức lừa gạt tín đồ, chẳng hạn bằng những
truyện hoang đường mà họ gọi là truyện kính tín, bằng những thánh tích
ngụy tạo, và những phép màu khả nghi; trong mấy thế kỉ, nó lợi dụng một
truyền thuyết gọi là “tặng địa của Constantin”
, theo thuyết đó thì
Constantin đã tặng cho Sylvestre đệ nhất (làm Giáo hoàng từ 314 đến 335)
tất cả Tây Âu, lại lợi dụng những Ngụy Giáo lệnh (khoảng 842) tức những
giấy tờ giả mạo là có từ thời thượng cổ để chứng minh quyền hành tuyệt
đối của các Giáo hoàng. Càng ngày Giáo hội càng dùng quyền lợi để truyền
bá chính giáo chứ không phải luân lí, và Pháp đình tôn giáo [vì quá lạm bạo
hành] suýt làm cho Ki Tô giáo mất thanh thế: Giáo hội một mặt khuyến cáo
hòa bình, một mặt gây chiến tranh tôn giáo tại nước Pháp trong thế kỉ XVI,
và chiến tranh Ba mươi năm
tại Đức trong thế kỉ XVII. Nó chỉ góp công
một cách khiêm tốn vào sự tiến bộ đáng kể nhất về luân lí cận đại, tức vào
sự phế trừ chế độ nô lệ. Nó nhường cho các triết gia cầm đầu những phong
trào nhân đạo làm giảm bớt những đau khổ của thời đại chúng ta.
Lịch sử nhận rằng Giáo hội có lí khi nó bảo đại đa số nhân loại muốn
một tôn giáo có nhiều phép màu, nhiều bí mật, nhiều huyền thoại. Đã có vài
sự thay đổi nho nhỏ về phương diện nghi lễ, tăng phục và quyền của giáo
chủ; nhưng Giáo hội không dám sửa đổi những thuyết vô lí, vì như vậy thì
hằng triệu người tin những truyện huyền hoặc khích lệ, an ủi sẽ phật ý và
thất vọng chua chát. Không thể hòa giải tôn giáo và triết lí được, trừ khi các
triết gia thú rằng không đưa ra được cái gì để thay thế nhiệm vụ luân lí của
Giáo hội, và Giáo hội chịu nhận sự tự do tín ngưỡng và tư tưởng.