Lịch sử có xác nhận lòng tin ở Thượng Đế không? Nếu chúng ta cho
Thượng Đế không phải là sức sáng tạo của Thiên nhiên, mà là một đấng tối
cao, toàn trí, toàn nhân, thì chúng ta buộc lòng phải đáp: “Không”. Như các
ngành khác của môn sinh vật học, lịch sử thực ra là một sự đào thải tự
nhiên giữa các cá nhân, các tập thể tài giỏi nhất trong một cuộc cạnh tranh
mà cái thiện chẳng được ưu thế gì cả, cái ác thì rất nhiều, và tiêu chuẩn tối
hậu là khả năng tồn tại. Nếu chúng ta đem các thiên tai do “Thượng Đế”
gây nên để trừng trị loài người, như động đất, dông tố, gió lốc, nước dâng,
bệnh dịch khiến cho trái đất của chúng ta cứ lâu lâu lại bị tiêu điều, nếu
chúng ta đem những cái đó cộng vào những tội lỗi, chiến tranh và các tàn
bạo khác của loài người, thì chúng ta tự nhiên nghĩ tới một số phận tàn
nhẫn hoặc mù quáng, hoặc vô tư, và lâu lâu mới hiện ra những cảnh có vẻ
như ngẫu nhiên, mà óc chủ quan của ta cho là có trật tự, đẹp đẽ, rực rỡ,
hoặc hoàn mĩ nữa. Nếu lịch sử xác nhận một thứ thần học nào, thì thần học
đó chắc phải là một nhị nguyên luận, tựa như nhị nguyên luận của Bái hỏa
giáo
hoặc của giáo phái do Manès sáng lập [cũng gọi là Thiện ác nhị
nguyên giáo]
: một ông Thiện một ông Ác tranh nhau ngự trị vũ trụ và
tâm hồn con người. Những tôn giáo đó và Ki Tô giáo (thực ra cũng có tính
cách thiện ác nhị nguyên giáo) xác nhận với tín đồ rằng rốt cuộc cái thiện
sẽ thắng; lịch sử không bảo đảm cho giả thuyết đó. Cả thiên nhiên lẫn lịch
sử đều không chấp nhận quan niệm của chúng ta về thiện và ác; mà cho cái
gì tồn tại được là “thiện”, cái gì bị đào thải là “ác”; vũ trụ không thiên vị
với Chúa Ki Tô, mà ghét Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn).
Càng nhận thấy địa vị cực nhỏ của mình trong vũ trụ, con người càng
mất thêm lí do để tin tưởng. Tại các nước theo Ki Tô giáo, có thể nói rằng
sự suy vi đó bắt đầu từ thời Copernic
(1543). Sự diễn biến đó xảy ra
chậm chạp, nhưng ngay từ năm 1611, John Donne đã rầu rĩ nhận thấy rằng
trái đất chỉ là một “ngoại ô” ở giữa vũ trụ, mà “tân triết lí hoài nghi tất cả”;
còn Francis Bacon mặc dầu vẫn ngả mũ chào các vị chủ giáo mà lại tuyên
bố rằng khoa học là tôn giáo của con người tiến bộ. Sau cùng thế hệ chúng