nhân mà tòa án thì thiên vị, luôn luôn xử ức họ, hạng người nghèo bàn tính
chuyện làm cách mạng. Hạng người giàu nổi đóa vì hạng người nghèo có ý
không chịu thừa nhận quyền chủ nhân của mình, bèn chuẩn bị phản ứng lại
bằng bạo động. Nhưng rồi lương tri đã thắng; các phần tử ôn hòa vận động
mà bầu Solon làm thống đốc (archonte). Solon là một nhà kinh doanh trong
giới quí tộc, lên cầm quyền bèn phá giá đồng bạc, làm nhẹ gánh của mọi
người mắc nợ (nên nhớ, chính ông là một chủ nợ!); giảm tất cả các món nợ
của tư nhân, bỏ lệ nhốt khám vì thiếu nợ; hủy hết các số thuế chưa đóng và
các số lời mà người cầm cố phải trả; đặt một thứ thuế lợi tức có tính cách
lũy tiến; làm cho người giàu phải chịu một thuế suất gấp mười hai lần thuế
suất đánh vào người nghèo; tổ chức lại tòa án cho dân chủ hơn; sau cùng
ban sắc lệnh rằng con cái các tử sĩ hi sinh cho Athènes được chính phủ nuôi
nấng, dạy dỗ. Bọn người giàu la ó cho rằng như vậy không khác gì tịch thu
tài sản mà không bồi thường cho họ; còn bọn cấp tiến thì trách Solon [ôn
hòa quá], không phân chia lại ruộng đất; nhưng chỉ ít năm sau, mọi người
đều nhận rằng cải cách của Solon đã tránh cho Athènes một cuộc cách
mạng.
Thế kỉ thứ hai trước T.L., khi sự tập trung tài sản ở Ý tới một mức nguy
hại, Viện Quí tộc La Mã vấn nổi tiếng là khôn khéo, lại không chịu hòa
giải. Tibère Gracchus (162-133), một nhà quí tộc được bầu làm “tribun” –
một chức bảo hộ quyền lợi của dân chúng – đề nghị chia lại ruộng đất, cho
mỗi người giữ được tối đa là 13 hecta
, còn bao nhiêu thì tịch thu, chia
cho bọn vô sản ở La Mã. Viện Quí tộc bác bỏ đề nghị ấy, cho là trái phép.
Tibère bèn hô hào dân chúng: “Các anh em chiến đấu và hi sinh tính mạng
để cho kẻ khác làm giàu và sống xa xỉ; người ta bảo các anh làm chủ thế
giới, nhưng không một người nào trong số các anh làm chủ được một tấc
đất”. Rồi bất chấp luật pháp La Mã, ông vận động để ứng cử “tribun” một
khóa nữa; trong cuộc bầu cử, một cuộc nổi loạn dấy lên, ông bị giết (133
trước T.L.). Em ông là Caius cũng theo chủ trương của ông nhưng cũng
không ngăn được bạo động xảy ra một lần nữa, và ra lệnh cho tên nô lệ
đâm chết mình; tên nô lệ vâng lời rồi tự tử (121 trước T.L.); Viện Quí tộc ra